Bắc Cạn đào tạo nghề gắn với xuất khẩu lao động


Tư vấn xuất khẩu lao động cho người dân tại hội chợ việc làm ở huyện Ba Bể.

Bắc Cạn có địa hình đồi núi chia cắt, ruộng đất manh mún, tỷ lệ dân số làm nông nghiệp cao nhưng thu nhập thấp. Những năm qua, công tác đào tạo nghề gắn với xuất khẩu lao động được tỉnh Bắc Cạn quan tâm triển khai. Nhờ đó, hàng nghìn lao động nông thôn có việc làm ổn định, thu nhập cao và giúp thoát nghèo bền vững.

Thoát nghèo bền vững

Xã Cao Trĩ, huyện Ba Bể (Bắc Cạn) có hơn 2.000 nhân khẩu là đồng bào các dân tộc Tày, Nùng… Do ruộng ít, dịch vụ kém phát triển cho nên tỷ lệ hộ nghèo của xã hơn 40%. Nhờ chính sách của Đảng, Nhà nước về xuất khẩu lao động, đến nay, cuộc sống của người dân ở xã Cao Trĩ đã đổi thay nhiều. Chị Triệu Thị Nịnh, thôn Bản Piềng 1 khoe với chúng tôi chiếc máy giặt trị giá hơn 10 triệu đồng, mua bằng tiền con trai đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản gửi về. Chị Nịnh cho biết, con trai học xong trung học chuyên nghiệp, chưa có việc làm, được một doanh nghiệp xuất khẩu lao động về tư vấn, cháu đã đăng ký đi. Học ngoại ngữ tốt, chịu khó nên cháu được nhận vào làm công nhân ở một nhà máy sản xuất ô-tô ở Nhật Bản, thu nhập mỗi tháng khoảng 40 triệu đồng. 5 năm qua, Bản Piềng 1 có hơn 10 người thuộc hộ nghèo đi xuất khẩu lao động; đến nay, các hộ này đều đã thoát nghèo.

Trong căn nhà xây trị giá hơn một tỷ đồng, với nhiều vật dụng đắt tiền, anh Trương Văn Hải, thôn Kéo Pựt, xã Cao Trĩ chia sẻ, trước đây, hai vợ chồng chỉ có một căn nhà gỗ ọp ẹp, làm nông nghiệp vất vả quanh năm mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Năm 2006, nhờ được tư vấn, anh vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đăng ký đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, làm việc tại một nhà máy sản xuất ô-tô thuộc Tập đoàn Hyundai. Hằng tháng, anh gửi về gia đình 25 triệu đồng. Sau chín năm lao động ở nước bạn, anh tích lũy được số vốn lớn, mua đất rừng, mở cửa hàng dịch vụ, nhờ đó không những thoát nghèo mà còn phát triển kinh tế gia đình.

Chủ tịch UBND xã Cao Trĩ Ma Thế Quang cho biết, mỗi năm xã có khoảng 30 người đi xuất khẩu lao động ở Ma-lai-xi-a, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… với các công việc như giúp việc gia đình, điều dưỡng, công nhân. Thu nhập bình quân từ 15 đến 40 triệu đồng/người/tháng. Nhờ xuất khẩu lao động, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ hơn 40% xuống còn 7,8%, thu nhập bình quân nâng lên 26,71 triệu đồng/người, cao hơn bình quân chung cả tỉnh. Đến nay, xã Cao Trĩ đạt tiêu chí khó nhất trong xây dựng nông thôn mới (NTM) về thu nhập, được công nhận xã đạt chuẩn NTM vào năm 2018. Từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm, huyện Ba Bể có từ 60 đến 80 người ở các xã khó khăn đi xuất khẩu lao động, đều có việc làm ổn định và thu nhập cao.

Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn Dương Văn Hoàn cho biết, huyện xác định xuất khẩu lao động là một “kênh” giảm nghèo bền vững. Hằng năm, huyện luôn thực hiện vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Riêng năm 2017, đưa được gần 100 người đi xuất khẩu lao động. Tại các xã nằm trong những khu bảo tồn rừng đặc dụng như Đồng Lạc, Xuân Lạc…, người dân thiếu đất canh tác, tỷ lệ hộ nghèo cao, qua xuất khẩu lao động đã thoát nghèo, giảm áp lực khai thác rừng trái phép. Người lao động khi về nước tích lũy được vốn, học tập được kinh nghiệm, thêm tư duy làm kinh tế, khắc phục tình trạng tái nghèo.

Từ năm 2008 đến 2017, Bắc Cạn có gần 4.000 người, chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo đi xuất khẩu lao động. Mỗi năm tăng thêm từ 30 đến 50 lao động đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Đài Loan (Trung Quốc) với thu nhập từ 15 đến 40 triệu đồng/người/tháng. Bình quân mỗi năm, Bắc Cạn đưa hơn 300 người đi xuất khẩu lao động, từ đó xóa nghèo cho khoảng 300 hộ/năm.

Nâng cao chất lượng lao động

Số người đi xuất khẩu lao động ở Bắc Cạn còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số lao động được giải quyết việc làm mỗi năm. Trước tình hình đó, Bắc Cạn chỉ đạo tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với xuất khẩu lao động. Tỉnh củng cố 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm hai trường cao đẳng, một trường trung cấp công lập, bảy trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện và chín cơ sở có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Từ năm 2008 đến 2017, tỉnh đào tạo nghề cho 60.094 người, trong đó, 51.297 lao động là con em người dân tộc thiểu số. Được đào tạo nghề, làm quen với môi trường sản xuất công nghiệp, cho nên tỷ lệ lao động đáp ứng đủ điều kiện đi xuất khẩu tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ma-lai-xi-a tăng lên, chiếm 80% tổng số người đi xuất khẩu lao động. Năm 2017, số người đi xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh là 380 người, đạt 190% kế hoạch, trong đó phần lớn đi Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trưởng Phòng Lao động – Việc làm và Dạy nghề (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Cạn) Hoàng Trọng Tuấn cho biết, mỗi năm, có khoảng 28 doanh nghiệp đăng ký tư vấn xuất khẩu lao động tại tám huyện, thành phố. Chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp nộp hồ sơ chứng minh năng lực, điều kiện để tỉnh xem xét, giới thiệu về tư vấn tại các địa phương. Tỉnh cũng phân vùng tư vấn cho các doanh nghiệp để bảo đảm lựa chọn được đơn vị tư vấn tốt nhất, khắc phục tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng tới người lao động…

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Văn Phúc Thụ cho biết, Bắc Cạn tập trung thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ ban đầu cho người đi xuất khẩu lao động. Đối với huyện nghèo theo chương trình 30a, người lao động được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, định hướng, chi phí liên quan… từ 12 đến 14 triệu đồng/người. Ngân hàng Chính sách Xã hội Bắc Cạn triển khai cho vay xuất khẩu lao động với tổng dư nợ hơn 27 tỷ đồng, cho gần 600 hộ. Tỉnh phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp liên lạc, nắm tình hình lao động ở nước ngoài, không để xảy ra rủi ro đáng tiếc. Ngoài ra, Sở tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thanh niên đi xuất khẩu lao động, nhất là tại các huyện còn đạt tỷ lệ thấp. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp tư vấn, phối hợp tìm giải pháp giảm tới mức thấp nhất chi phí cho người lao động. Tập trung thực hiện hỗ trợ theo các cơ chế, chính sách đã được Trung ương ban hành, bao gồm cả các huyện không thuộc chương trình 30a; phấn đấu mỗi năm tăng thêm từ 30 đến 50 người đi xuất khẩu lao động so với năm trước.

(Theo báo Nhân dân điện tử: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/37150902-bac-can-dao-tao-nghe-gan-voi-xuat-khau-lao-dong.html ) 

     

Rate this post