Cuối năm, rộ chuyện “lừa” xuất khẩu lao động

GiadinhNet – Giám đốc bị cách chức, chi nhánh bị đình chỉ hoạt động, con dấu bị tịch thu nhưng vẫn đứng tên ký hợp đồng xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Malaysia.

Cán bộ Trung tâm giới thiệu việc làm nhận tiền “môi giới” của lao động có nhu cầu XKLĐ sang Hàn Quốc… Liên tiếp những vụ “lùm xùm” trong ngành XKLĐ xảy ra trong giai đoạn cuối năm.

Bị đình chỉ vẫn… ký hợp đồng XKLĐ

Về biện pháp phòng chống lừa đảo XKLĐ, theo ông Lê Văn Thanh, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước thì lao động cần tìm hiểu các nội dung trên trang web: www.dolab.gov.vn của Cục và liên hệ với đường dây nóng 04.38249517, máy lẻ số 511, 512 để có đầy đủ thông tin nhằm tránh bị lừa đảo.

Đầu tháng 11/2011, Báo GĐ&XH nhận được thông tin của một số gia đình tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) có con đi XKLĐ sang Malaysia phản ánh về những bất thường khi ký kết hợp đồng và đưa người lao động ra nước ngoài. Theo ông Cao Văn Thành, bố đẻ của lao động Cao Thị Thắng và đơn của gia đình lao động Nguyễn Thị Bạch (cùng ở Thạch Thất, Hà Nội), hai người lao động này và 11 người khác được bà Nguyễn Thị Kim Mỹ, nguyên giám đốc chi nhánh Hà Nội của Công ty CP Vạn Xuân (Vivaxuan) ở số 159 đường Hà Huy Tập (phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) đưa đi làm việc tại Malaysia vào tháng 9/2011. Tuy nhiên, khi sang Malaysia thì các lao động được đưa tới làm việc tại các công ty khác với công ty mà họ được ký hợp đồng. Thậm chí, có cả những lao động không được bố trí việc làm, bị bỏ đói và bị… mất tích(?!).

PV Báo GH&XH đã trực tiếp chuyển những thông tin, đơn thư trên cho ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ, TB&XH) để cơ quan này xác minh vụ việc. Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có thông tin phản hồi cho biết, ngày 16/11, công ty Vivaxuan đã có công văn báo cáo về việc “đã đình chỉ hoạt động của chi nhánh Hà Nội do bà Mỹ phụ trách từ ngày 12/5/2010”. Tiếp đó, ngày 25/8/2010 công ty này đã ra quyết định bãi nhiệm chức vụ giám đốc chi nhánh Hà Nội của bà Mỹ, đồng thời ra thông báo ngày 30/8/2010 về việc ngừng hoạt động của chi nhánh Hà Nội tại số nhà 231C KĐT mới Đại Kim, phường Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) gửi UBND phường Đại Kim. Vivaxuan cũng đã thu hồi con dấu của chi nhánh này, đồng thời khắc con dấu mới từ tháng 3/2011. Tức là, những nạn nhân này phát sinh sau khi bà Mỹ và chi nhánh tại Hà Nội không còn tư cách pháp nhân để thực hiện việc tuyển dụng và đưa lao động đi xuất khẩu!

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho biết, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc đưa người lao động làm việc ở nước ngoài. Cụ thể là việc công ty Vivaxuan đã “xóa sổ” chi nhánh tại Hà Nội nhưng sau đó bà Mỹ vẫn đứng tên, dùng con dấu của Vivaxuan để ký kết hợp đồng với lao động. Vì vậy, ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ký văn bản số 1740, ngày 6/12 gửi Công an tỉnh Hà Tĩnh để yêu cầu xác minh, điều tra và xử lý.

Nhận hàng nghìn USD của lao động đi Hàn?!

Lao động Trần Phú Cường (phường Hạ Long, TP Nam Định, Nam Định) mới đây đã “tố” bà Vũ Thị Bích Ngọc là cán bộ Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Nam Định trong thời gian từ tháng 9/2010 đến tháng 6/2011 đã nhận 6.000 USD của gia đình anh Cường để “giúp” làm thủ tục đi lao động Hàn Quốc nhưng bất thành. Theo bản tường trình của bà Ngọc, gia đình bà và gia đình lao động Trần Phú Cường có quan hệ thông gia. Bà Ngọc cầm 6.000 USD của gia đình Cường là có thật nhưng “chỉ là vay mượn thông thường” vì bố bà Ngọc bị tai biến mạch máu não và gãy cổ xương đùi nên cần tiền để chữa trị. Việc vay 6.000 USD của mẹ anh Cường 3 lần đều có giấy vay nợ và bà Ngọc cũng đã trả hết số tiền trên cho gia đình anh Cường vào ngày 18/9/2011. Hơn nữa vì biết anh Cường có nhu cầu đi XKLĐ nên bà Ngọc tư vấn cho một số thông tin liên quan đến việc đi lao động Hàn Quốc(?!).

Còn theo công văn số 1095, ngày 9/12/2011, Sở LĐ, TB&XH Nam Định báo cáo với Bộ LĐ, TB&XH xác nhận, lao động Trần Phú Cường có đăng ký và dự thi tiếng Hàn ngày 17/10/2010, sau đó làm hồ sơ dự tuyển đi lao động Hàn Quốc tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Nam Định. Việc bà Vũ Thị Bích Ngọc cầm 6.000 USD của gia đình lao động Trần Phú Cường là có thật, tuy nhiên theo kết quả xác minh đến ngày 8/12/2011, Thanh tra Sở vẫn chưa thu thập đủ chứng lý để xác định số tiền này bà Ngọc cầm để “chạy” cho lao động Trần Phú Cường đi làm việc tại Hàn Quốc hay là khoản bà Ngọc vay để giải quyết việc riêng. Vụ việc vì thế vẫn “để ngỏ”.

Chiều 26/12, trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở LĐ, TB&XH tỉnh Nam Định cho biết, cơ quan này đang hoàn thiện kết luận về vụ việc nêu trên và trong tuần này sẽ có báo cáo gửi Bộ LĐ, TB&XH. “Sở không dung túng nếu có tiêu cực. Chúng tôi sẽ điều tra, xác minh cụ thể vụ việc và  sẽ xử lý cương quyết để đảm bảo quyền lợi của lao động”, ông Vinh khẳng định!

 

Ngày 19/12, trong buổi đối thoại trực tuyến, Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết Bộ rất quan tâm tới vấn đề lừa đảo XKLĐ. Bà cho rằng có những đối tượng đã trục lợi thông qua việc lợi dụng nhu cầu chính đáng và sự thiếu hiểu biết hoặc không nắm rõ thông tin của người lao động. Trong kỳ thi tiếng Hàn vừa qua đã có một số “cò mồi” hoạt động, và Bộ LĐ, TB&XH đang phối hợp với Bộ Công an để xử lý.

Công Tâm

Rate this post