Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc

TP – Từ nay đến 31-12, nếu Việt Nam không giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc xuống dưới 27%, có thể bị Hàn Quốc dừng tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn năm 2012 và không tiếp nhận lao động mới.

Theo quy định mới, nếu lao động về nước đúng hạn được phép trở lại
Hàn Quốc làm việc (Trong ảnh: Thí sinh về nước đúng hạn chuẩn bị vào
phòng thi tiếng Hàn). Ảnh: Phong Cầm
Theo quy định mới, nếu lao động về nước đúng hạn được phép trở lại Hàn Quốc làm việc (Trong ảnh: Thí sinh về nước đúng hạn chuẩn bị vào phòng thi tiếng Hàn). Ảnh: Phong Cầm.

Tỷ lệ lao động bỏ trốn tăng lên 50%

Ông Lương Đức Long – Phó giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, theo số liệu đến tháng 8-2011, đã có khoảng 2.000 lao động bỏ trốn trong tổng số hơn 4.000 người được đưa sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS trong năm 2011. Nếu tính từ tháng 8-2004 đến tháng 8-2011, riêng Chương trình EPS, đã có khoảng 8.500 lao động bỏ trốn, đang cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

“Nếu tính thêm các đối tượng khác cộng lại, con số lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc đã vượt 14.000 người” – ông Long cho biết.

Theo ông Đào Công Hải – Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), Việt Nam hiện đã rơi xuống thứ ba trong số 15 nước được phép đưa lao động sang Hàn Quốc. Vị trí quán quân của Việt Nam suốt những năm qua đã thuộc về Campuchia.

Vì lao động Việt Nam sang Hàn Quốc nhảy việc tự do, cư trú bấp hợp pháp gia tăng nên uy tín của lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Tỷ lệ cam kết của chúng ta với bạn là trong năm nay, phải hạ tỷ lệ lao động bỏ trốn từ 48% xuống 27%. Tuy nhiên, hiện số lao động bỏ trốn đã tăng lên 50%” – ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, năm 2012, chính sách nhân lực của Hàn Quốc có sự thay đổi. Phía bạn chỉ tiếp nhận tối đa hạn ngạch do Chính phủ phân bổ (Việt Nam được đưa tối đa 15.000 lao động trong năm 2012). Đây chính là khó khăn, thách thức mà lao động Việt Nam cần phải cân nhắc trước khi quyết định đi làm việc ở thị trường này.

“Thực tế, kỳ kiểm tra tiếng Hàn vừa qua có tới hơn 60.000 người đăng ký, trong khi chỉ tiêu là 15.000. Vậy số lao động bị trượt còn lại vì sao không lựa chọn các thị trường khác như Đài Loan, Malaysia…” – ông Hải nói.

Bỏ trốn để kiếm tiền trả nợ

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong tại hai tỉnh Thái Bình và Nam Định, lý do khiến lao động bỏ trốn nhiều là vì trước khi đi, phải nộp rất nhiều tiền cho cò mồi. Nhiều gia đình phải nộp cho cò mồi từ 100 đến 200 triệu đồng, nên dù biết con em bỏ trốn là sai nhưng vẫn cố đấm ăn xôi ở lại Hàn Quốc kiếm tiền trả nợ.

“Nói ra thì đúng là đau lòng. Nhưng theo thông tin tôi nắm được, có tới 80% gia đình ở Nam Định phải mất tiền cho các đường dây cò mồi trước khi con em đi Hàn Quốc” – ông Nguyễn Văn H (Giao Thủy, Nam Định) cho biết.

Theo ông H, thời gian ở lại làm việc theo quy định chưa đủ để thu hồi lại khoản tiền đã bỏ ra trước khi đi. Nên lao động chỉ còn cách bỏ trốn, ở lại làm thêm để kiếm tiền về trả nợ, phụ giúp gia đình. “Để cho con đi Hàn Quốc phải vay chỗ này, mượn chỗ kia. Giờ vay rồi thì phải trả. Nếu ở quê mà có công ăn việc làm thì cho con đi nước ngoài làm gì. Chúng còn phải lấy vợ sinh con nữa chứ” – ông H nói.

Vũ Thanh Sơn 29 tuổi, ở xóm 6, xã Xuân Bắc (Xuân Trường, Nam Định) tháng 2-2011, đã thi đỗ kỳ kiểm tra tiếng Hàn. Hiện, anh và các lao động khác đang rất lo lắng, bởi đã gần một năm vẫn chưa được xuất cảnh. “Chúng tôi mong anh em làm việc tại Hàn Quốc cố gắng về nước đúng hạn để tạo điều kiện cho những người mới như chúng tôi được sang Hàn Quốc sớm” – Sơn mong muốn.

Bà Nguyễn Thị Mai – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nam Định cho biết, dù lãnh đạo sở và Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh thường xuyên tuyên truyền nhưng bà con vẫn tin cò mồi. Cố tình nộp tiền cho cò để mong con mình sớm được sang Hàn Quốc, trong khi tiếng Hàn chưa biết một chữ.

“Nhiều người vì quá tin cò nhưng đến khi thi không đỗ mới biết mình mất tiền oan. Đã trượt kỳ kiểm tra vừa rồi, nhưng nay nghe cò mồi dụ dỗ lại tiếp tục đăng ký thi. Thế là mất hai lần tiền” – bà Mai nói.

Trong khi đó, theo ông Lương Đức Long, đối tượng cò mồi, lừa đảo rất tinh vi. Có khi còn đóng giả cả vai cán bộ của ngành lao động để thu tiền của LĐ, nhưng cũng có cả cán bộ làm việc trong ngành LĐ-TB&XH ở địa phương lợi dụng chức vụ tham gia vào việc thu tiền bất hợp pháp.

“Để đi Hàn Quốc, lao động chỉ phải nộp 630 USD để làm thủ tục hồ sơ, mua vé máy bay…Ngoài ra, không phải đóng thêm bất cứ một khoản tiền nào và quy trình tuyển chọn rất chặt chẽ, không ai có thể can thiệp vào được” – ông Long khẳng định.

Ông Đào Công Hải – Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, để ngăn chặn tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc đang có xu hướng tiếp tục gia tăng, chính quyền địa phương cần phải vào cuộc mạnh mẽ. Phải tuyên truyền, vận động để gia đình kêu gọi con em về nước. Phải làm sao để những gia đình có con em bỏ trốn thấy rằng, nếu về nước đúng hạn, sẽ tiếp tục được quay trở lại Hàn Quốc làm việc; còn nếu bỏ trốn không những bị trục xuất mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng nghìn lao động khác.

Theo ông Hải, nếu tỷ lệ lao động bỏ trốn cao như hiện nay, chắc chắn Hàn Quốc sẽ cân nhắc việc có nhận lao động Việt Nam nữa hay không. Nếu điều đó xảy ra, sẽ gây thiệt hại lớn cho hàng vạn lao động và Việt Nam sẽ mất một trong hai thị trường XKLĐ hấp dẫn nhất hiện nay.

Phong Cầm

Rate this post