Đưa 90.000 lao động đi nước ngoài làm việc

Dự kiến mỗi năm đưa 10.000 lao động sang Nhật l Đài Loan và Hàn Quốc tăng lương, tạo điều kiện cho người hết hạn hợp đồng trở lại làm việc

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) của Việt Nam năm 2012 đặt chỉ tiêu đưa 90.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết  đang có những chuyển biến tích cực từ các thị trường XKLĐ, tạo thuận lợi để tăng số lượng người đi làm việc nước ngoài trong năm nay, nhất là ở ba thị trường chính là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

Nhật Bản cần nhiều lao động nông nghiệp

Dù bị ảnh hưởng từ thảm họa động đất và sóng thần vào tháng 3-2011 nhưng trong năm 2011, Việt Nam vẫn đưa được 6.985 lao động sang Nhật Bản theo chương trình thực tập kỹ năng, tăng 42% so với năm 2010. Tại buổi làm việc với Bộ LĐ-TB-XH ngày 16-2, ông Kensuke Tsuzuki, Phó Chủ tịch Tổ chức Hợp tác Đào tạo Quốc tế Nhật Bản (Jitco), cho biết từ sau thảm họa đến nay, Nhật Bản vẫn gia tăng nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài.

Lao động Việt Nam tại Libya về nước trước hạn vào tháng 3-2011, tới đây sẽ có cơ hội trở lại làm việc ở nước này

Đặc biệt, ngành nông nghiệp Nhật Bản đang rất thiếu lao động và các doanh nghiệp nước này rất muốn tuyển dụng lao động Việt Nam. Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Trưởng Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản, một số doanh nghiệp XKLĐ của Việt Nam đã tìm được đơn hàng cung ứng lao động nông nghiệp sang Nhật Bản. Giới chủ Nhật Bản cam kết bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động, thu nhập bình quân 850 USD/người/tháng trở lên.

Bên cạnh đó, thực hiện theo bản ghi nhớ về việc Nhật Bản tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý của Việt Nam ký kết giữa hai chính phủ vào đầu tháng 11-2011, Bộ LĐ-TB-XH đang khẩn trương thực hiện dự thảo để cuối tháng 3-2012 hai bên ký kết hiệp định; tiến tới liên kết đào tạo, cung ứng lao động Việt Nam sang Nhật Bản ở hai lĩnh vực nói trên. Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, khẳng định bằng những biện pháp cụ thể, trong một vài năm tới, Việt Nam phấn đấu mỗi năm sẽ đưa được 10.000 lao động sang Nhật Bản.

Trên 50.000 người sang Hàn Quốc, Đài Loan

Trong năm 2011, cả nước có 54.010 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc và Đài Loan, chiếm 61% tổng lao động đưa đi làm việc ở 40 thị trường. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài ở hai thị trường này vẫn đang gia tăng và dự kiến trong năm 2012, sẽ đưa được trên 35.000 người sang Đài Loan, 15.000 người sang Hàn Quốc làm việc.

Những thay đổi về chính sách ở Hàn Quốc, Đài Loan đang mở ra nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam. Tại Hàn Quốc,  kể từ năm 2012, những lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng hạn hoặc tự nguyện xin về nước sẽ được tham gia kỳ sát hạch tiếng Hàn qua máy tính để làm hồ sơ dự tuyển trở lại Hàn Quốc. Riêng từ ngày 1-7-2012, những lao động nào tuân thủ tốt hợp đồng, không có ý định đổi chủ trong thời gian làm việc thì sau khi về nước trong thời gian dưới 3 tháng sẽ được cho phép trở lại làm việc mà không phải tham dự kiểm tra tiếng Hàn.

Tại Đài Loan, kể từ ngày 1-1-2012, mức lương cơ bản đối với lao động nước ngoài tăng từ 17.880 đài tệ  lên 18.780 đài tệ. Thời hạn làm việc tối đa của lao động nước ngoài cũng được kéo dài từ 9 năm lên 12 năm (3 năm gia hạn một lần) kể từ ngày 1-2-2012. Ông Hoàng Khải Minh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Forward, nhận định việc tăng lương, tăng thời hạn làm việc góp phần tăng lao động Việt Nam sang Đài Loan làm việc trong năm nay.

Tháng 6 đưa lao động trở lại Libya

Sau một năm tạm dừng, Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH về việc thí điểm đưa lao động trở lại Libya. Hiện Công ty Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại Sona được chọn thí điểm, dự kiến ngày 22 tới sẽ đưa 8 lao động sang Libya làm việc ở lĩnh vực văn phòng cho Tập đoàn MAN (chuyên về xây dựng) của Đức. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã trở lại Libya và đề nghị tiếp tục tuyển dụng lao động Việt Nam. Nếu tình hình ổn định, có thể từ tháng 6-2012, Việt Nam sẽ mở rộng đưa lao động trở lại Libya làm việc, chủ yếu ở lĩnh vực xây dựng.

Bài và ảnh: duy quốc
Rate this post