Đắng lòng giấc mơ Hàn Quốc!

(VOV) – Đòi lại tiền không trả, gọi điện không nghe, đến nhà không mở cửa- người lao động bó tay trước đường dây lừa đảo XKLĐ

Tỷ lệ cư trú bất hợp pháp cao; nhảy việc chiếm số nhiều; trốn tại sân bay không ít… đó là những yếu tố khiến Hàn Quốc quyết định dừng cuộc thi tiếng Hàn đối với lao động (LĐ) của Việt Nam và khép lại giấc mơ được đi làm việc ở một thị trường hấp dẫn số 1 của hàng chục, hàng trăm ngàn LĐ. Đồng ý rằng, sự thiếu ý thức của một bộ phận người LĐ là nguyên nhân chính dẫn đến tình cảnh này, tuy nhiên, một nguyên nhân khác, ít được mổ xẻ hoặc nhắc tới chính là những dấu hiệu tiêu cực, mà nói chính xác là “u nhọt lừa đảo xuất khẩu lao động” góp phần tạo sóng gió phá thị trường này.

Trong thời gian vừa qua đường dây nóng của chương trình Các vấn đề xã hội (Hệ VOV2, Đài Tiếng nói Việt Nam) đã nhận được rất nhiều thông tin từ người LĐ ở các địa phương phản ánh về tình trạng ăn chặn tiền của người LĐ với danh nghĩa “chạy” xuất khẩu lao động (XKLĐ), trong đó cũng đã hé lộ những đường dây lừa đảo.

Điều đau lòng là không ít đường dây lại do chính những cán bộ ở ngành LĐTB&XH thực hiện. Cuộc điều tra của nhóm phóng viên VOV tại tỉnh Nam Định sẽ phần nào làm sáng tỏ vấn đề.


Nỗi lo lắng của Trần Phú Cường và Trần Văn Hợp

“Gia đình em nghèo, phải vay vàng đổi ra 6.000USD nộp cho bà ấy, giờ không đòi được, riêng tiền lỗ chênh lệch vàng đã mất gần 100 triệu…”-Lời cầu khẩn của người thanh niên có tên Trần Phú Cường qua đường dây nóng của chương trình đã đưa chúng tôi đến địa chỉ 36p Ô 18 phường Hạ Long TP Nam Định.

Trong ngôi nhà mái bằng chật chội với những vật dụng tuềnh toàng, độc chiếc tivi 16 ich là có giá trị, bà Trần Thị Hiển ngồi ôm cháu, lặng thinh. 1 năm qua, kể từ ngày cậu con trai thứ 2 Trần Văn Cường quyết tâm đi XKLĐ Hàn Quốc, tâm trạng của bà đã chẳng được yên: Tôi ra Trung tâm Giới thiệu việc làm (Sở LĐTB&XH) tỉnh, gặp bà Vũ Thị Bích Ngọc, có quan hệ thông gia bề trên với gia đình, nghe nói bà ấy chạy được nhiều người đi XKLĐ HQ rồi.

Và bà ấy cam kết là sẽ chạy được cho cháu đi sớm nhât nên tôi về bàn với gia đình cố đi vay mượn vàng cho cháu đi để xóa đói giảm nghèo. Vàng thời điểm đó là 27 triệu đồng/cây, tôi phải bán đi để đổi sang đô la. Đầu tiên nộp 5.000USD, ít lâu sau bà lại bảo chưa đủ, muốn đi mau phải nộp thêm 1000USD nữa mới đi nhanh được. Vàng mình đi vay, đến hạn người ta đòi. Riêng tiền chênh lệch vàng giờ nhà tôi đã mất gần 100 triệu đồng…”

Ngày gặp được người quen với lời khẳng định con sẽ được đi chắc như đinh đóng cột khiến bà Hiển vui bao nhiêu, lạc quan bao nhiêu thì tháng tháng trôi qua, thấy bạn bè con lần lượt xuất cảnh bà Hiển lại sốt ruột như ngồi trên đống lửa bấy nhiêu. Với 1 gia đình nghèo kinh niên, vừa thoát khỏi danh sách hộ nghèo vào năm 2010, số tiền 6.000 USD đi vay mượn ngày càng nặng trĩu, chẳng khác nào 1 bản án với cả gia đình.

Thấy vợ quay mặt quệt dòng nước mắt, ông Trần Văn Thuận (bố Cường) không kìm nén được nỗi uất ức: “Gia đình tôi chấp nhận chạy theo đường bà Ngọc để được đi nhanh nhất, nhưng thấy những người thi cùng con mình lần lượt đi, sốt ruột gọi thì bà ấy bảo: cứ yên tâm, trường hợp của cháu tốt đẹp lắm, ngon lành lắm, ông giám đốc Hàn Quốc nhận rồi nhưng ông ấy đang ốm, ông ấy khỏi vài hôm nữa sẽ sang”(!)

Tháng tháng lại nặng nề trôi qua, nợ nần càng thêm quẫn bách. Một lần, qua phương tiện thông tin, gia đình ông Thuận hay tin, thị trường Hàn Quốc đang gặp khó khăn nên lại gọi điện xin bà Ngọc trả lại tiền. Vẫn bằng giọng điệu hứa hẹn nhưng trước thái độ cứng rắn của ông Thuận, bà Ngọc đã chấp nhận trả 4.000 USD, còn 2.000 USD thì nhất định không trả, nói là số tiền đó đã chi để lo cho Cường.

Ông Trần Văn Thuận: cháu nhỏ 2 tuẩn nay còn không dám mua sữa, chỉ pha đường cho cháu uống để dành tiền trả nợ.

Cẩn thận lấy trong tủ tập giấy tờ biên nhận mấy lần cầm tiền phía dưới có ký tên Vũ Thị Bích Ngọc và serie của 6.000 USD, ánh mắt của ông Thuận gần như tuyệt vọng. Không những không trả lại tiền mà bà Ngọc còn lớn tiếng đe dọa, thách đố gia đình Cường khiến nỗi uất ức trào dâng và sợi dây níu kéo tình thân thông gia cũng chẳng thể neo đậu!.

“Gọi điện bà ấy không nghe, đến nhà không mở cửa, nhắn tin thì bà ấy trả lời “tao không đến nhà mày xin việc, đừng có hỗn”. Bà ấy nói rằng tiền đó là bà ấy đã chi để lo cho nó (tức Cường- PV), gia đình phải chịu. Đây là tiền vay mượn, là mồ hôi, nước mắt của anh em, bạn bè. Đến đứa cháu nhỏ 2 tuần nay còn không dám mua sữa, chỉ pha đường cho cháu uống để dành tiền trả nợ. Biện pháp cuối cùng là xử bằng luật rừng tôi cũng sẵn sàng…”- Ông Thuận uất ức.

Trở lại với thời điểm ngày 24/9, trong vai trò là người nhà của Cường chúng tôi đã gọi điện cho bà Ngọc, xin bà trả số tiền còn lại vì lý do Hàn Quốc không đi được nữa thì đã nhận được câu trả lời của bà Ngọc như thế này “Như thế này chị ạ, đúng là có chút khó khăn thế nhưng bây giờ lại tốt rồi, lại hanh thông lắm rồi. Mới cách đây nửa tháng có thông báo là đã đưa được hơn 3.000 trên tổng số 4.000 LĐ trốn bên đó về nước nên Hàn Quốc lại mở lại kỳ thi rồi, lại tốt lắm rồi, họ đang rất cần LĐ sang, chị cứ yên tâm…

Tôi không biết chị quan hệ thế nào chứ tôi thông gia với gia đình cháu Cường. Là chỗ gia đình nên tôi mới đối xử thế chứ còn người khác thì không thế đâu. Giờ gia đình cháu Cường hiểu rồi, mà thôi, nói chuyện này qua điện thoại không tiện, lúc nào chị xuống Nam Định tôi nói cho chị rõ…”

Thực sự tôi đã bị “sốc” trước những thông tin bịa đặt hết sức trắng trợn của bà Ngọc. Trong khi thị trường Hàn Quốc đang mờ mịt, kỳ thi tiếng Hàn chưa biết khi nào được mở lại, các cơ quan chức năng đang “căng như dây đàn” để tìm giải pháp cứu thị trường (và chưa có bất cứ LĐ nào trong số gần 9.000 LĐ cư trú bất hợp pháp được đưa về nước) thì với luận điệu ấy, bà Ngọc đã lừa biết bao LĐ đang nuôi giấc mộng Hàn và Trần Mạnh Hồng ở xóm Kim xã Mỹ Thắng huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định là một trong số đó.

Dù đã được căn dặn không được thông tin cho báo chí, song khi được chúng tôi động viên và phần nào hiểu được bản chất của vụ việc, Hồng đã mạnh dạn nói lên sự thật: “Bác ruột em ở TP Nam Định thấy công việc của em ở nhà không ổn định nên bác bảo là biết chỗ bác Ngọc ở Sở LĐTB&XH có thể chạy đi Hàn Quốc với giá 10.000 USD. Thấy bác ấy ở Sở LĐ nên tin tưởng. Ban đầu nộp 3.000 USD, sau bảo nộp thêm 4.000 USD nữa. Tất cả là bác em lo hết. Nghe thông tin khó khăn, em gọi điện cho bác Ngọc xin lại tiền thì bác động viên cố đợi. Với số tiền vay bác em có làm cả đời cũng không thể trả được nợ…” rảo bộ gần cây số, đến đầu xóm Kim, hỏi thăm nhà anh Hồng (sắp đi Hàn Quốc), người dân ai nấy đều hay. Đón chúng tôi là một thanh niên nhỏ bé, gầy nhom, da xanh lét. Dường như đoán được mục đích chuyến thăm của chúng tôi, sự e ngại hiện rõ trên gương mặt gầy gò của Trần Mạnh Hồng.

Chúng tôi đã nhờ Hồng liên hệ cho bác ruột của mình là bà Trần Thị Kim. Sau vài câu trao đổi, giọng nói căng thẳng của 1 phụ nữ ở đầu dây bên kia cấm Hồng không được cung cấp thông tin!!! Nghĩ rằng, có thể do bác của Hồng chưa hiểu vấn đề, chúng tôi đã cố giải thích cho người phụ nữ đó. Nhưng điều hết sức ngạc nhiên là người bác ruột của Hồng đã chối phắt mối quan hệ huyết thống với Hồng!?

Câu hỏi đặt ra là: liệu bà Ngọc có phải chỉ là 1 mắt xích của 1 đường dây lừa đảo chạy XKLĐ Hàn Quốc, và số nạn nhân chỉ là Hồng, là Cường hay còn nhiều người khác nữa?

Trước ngày đi Nam Định điều tra vụ việc, chúng tôi đã liên hệ, hẹn gặp bà Ngọc nhưng bị từ chối. Theo nguyện vọng tha thiết của gia đình Cường muốn cho bà Ngọc một cơ hội, 1 buổi tối, Cường đưa tôi đến nhà bà Ngọc. Ngôi nhà 2 tầng khang trang nằm trên đường Giải Phóng (kéo dài) lúc nào cũng khóa cẩn thận. Và như dự đoán, chúng tôi không được chào đón… Niềm hy vọng cuối cùng tắt ngấm trên gương mặt của người thanh niên….

Bà Ngọc có vai trò, vị trí như thế nào trong Sở LĐTB&XH Nam Định? Lãnh đạo sở LĐ sẽ nói gì trước vụ việc nêu trên, tình cảnh của người bị hại với số tiền vay nợ lên đến hàng trăm triệu sẽ ra sao? Qua quá trình điều tra còn hé lộ đường dây lừa đảo XKLĐ sang thị trường Hàn Quốc nào khác?

(Theo : VOV-Báo điện tử đài tiếng nói Việt Nam)

Rate this post