Lao động Việt bỏ trốn tại Hàn Quốc: Hại mình, hại nhiều người

(Dân Việt) – Uy tín của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đã tụt xuống hạng 3 trong những tháng đầu năm 2012. Để khôi phục lại uy tín của lao động Việt, từ 16.2 tới hết tháng 3.2012, Bộ LĐTBXH tổ chức các cuộc toạ đàm ngăn ngừa lao động bỏ trốn tại 11 tỉnh, thành.
Thái Bình là tỉnh đầu tiên tổ chức toạ đàm này vào ngày 17.2. Có mặt tại buổi tọa đàm, anh Giang Văn Mong (huyện Thái Thụy) chia sẻ: “Tôi vừa vượt qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn trên máy tính do Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức. Hiện tôi đang chờ làm thủ tục để quay trở lại Hàn Quốc làm việc”.
Buổi toạ đàm tại Thái Bình.

Theo anh Mong, nhờ biết thông tin lao động cư trú bất hợp pháp đã làm hại mình, ảnh hưởng đến nhiều người nên anh mới về nước đúng hạn vào tháng 10.2011, trước đó, anh đã có ý định “trốn” sang công ty khác để làm việc thêm một thời gian nữa..
Từ ngày 16.2 đến 6.3, Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước và các địa phương tổ chức tọa đàm ở 11 tỉnh để tuyên truyền về Chương trình EPS; cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo của cò mồi; tuyên truyền, vận động địa phương và người nhà lao động động viên con em về nước đúng thời hạn và giới thiệu các thị trường XKLĐ hấp dẫn khác để người lao động lựa chọn cho phù hợp.

Tuy nhiên, không phải lao động nào cũng nhận thức được như anh Mong. Theo ông Đào Công Hải – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, thời gian gần đây, lao động Việt Nam sang Hàn Quốc nhảy việc tự do, cư trú bất hợp pháp vẫn tăng nên uy tín lao động của Việt Nam đang bị ảnh hưởng.

Theo cam kết của nước ta với Hàn Quốc, từ nay đến 31.12.2012 phải giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc xuống 27%. Cuối năm 2011, với nỗ lực của Bộ LĐTBXH và các địa phương, tỷ lệ lao động của Việt Nam cư trú bất hợp pháp đã giảm xuống nên Hàn Quốc đã mở lại kỳ kiểm tra tiếng Hàn vào ngày 17 và 18.12. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tỉ lệ cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc có dấu hiệu tăng lên khoảng 2% (từ 48 lên khoảng 50%).

Địa phương kêu khó quản lý

Ông Vũ Huy Hân – Phó chủ tịch UBND huyện Hải Hậu, Nam Định cho biết, chính quyền địa phương rất muốn phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương và gia đình người lao động để quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, có một thực tế là người lao động đi làm việc ở nước ngoài qua rất nhiều kênh khác nhau, địa phương muốn nắm được đã có bao nhiêu người đi XKLĐ cũng đã khó nói gì tới việc quản lý có bao nhiêu người đã hết thời hạn cần về nước.

Bà Khương Thị Mai – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Nam Định cho biết, tính từ năm 2006 đến nay, Nam Định có 1.293 lao động sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, số người hết hạn hợp đồng về nước địa phương cũng không thể nắm được. “Chúng tôi đã đề nghị Trung tâm Lao động ngoài nước cung cấp đầy đủ, kịp thời danh tính lao động của địa phương cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc để địa phương có biện pháp quản lý” – bà Mai nói.

Nhận định về vấn đề này, ông Đào Công Hải cho biết: “Đúng là việc báo cáo số lượng lao động xuất khẩu của các doanh nghiệp cũng rất chậm nên để quản lý số lượng lao động đi xuất khẩu và về nước hiện gặp rất nhiều khó khăn. Để giảm tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc xuống như cam kết với bạn, chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị và gia đình người lao động có con em đã, đang và sẽ làm việc ở Hàn Quốc khuyên nhủ lao động về nước đúng thời hạn để tạo cơ hội cho những lao động khác”.

­ Thanh Xuân

Rate this post