Nghịch lý của vấn đề xuất khẩu lao động

Xuất khẩu lao động cần được phân tích trên bình diện thế giới và đặt trong toàn cục của quá trình phát triển để thấy rõ hơn bản chất của vấn đề và có chính sách đúng đắn.

Những nước xuất khẩu lao động nhiều là những nước kém phát triển, hoặc phát triển với tốc độ chậm mà lại không ưu tiên đẩy mạnh các ngành dùng nhiều lao động. Có thể thấy một số đặc điểm cơ bản liên quan đến lao động xuất khẩu và liên quan đến những nước xuất khẩu nhiều lao động:

Thứ nhất, lao động giản đơn xuất khẩu sang các nước phát triển nhất là các nước công nghiệp mới thông thường làm việc trong những môi trường khó khăn, quyền lợi của người lao động dễ bị xâm phạm nếu việc xuất nhập khẩu lao động không được tổ chức chu đáo, không có sự cam kết của xí nghiệp dùng lao động và sự giám sát của các cơ quan của nước sở tại.

Thứ hai, vì là lao động giản đơn, trình độ học vấn, trình độ văn hóa của người đi lao động nước ngoài thấp nên khó thích nghi với điều kiện văn hóa, xã hội nước ngoài. Không ít người thất vọng với hoàn cảnh sống và làm việc ở xứ người, và có nhiều trường hợp phạm pháp xảy ra hoặc bỏ trốn, gây ra hình ảnh xấu cho nước xuất khẩu lao động. Ngoài ra, cùng với điểm thứ nhất, lao động có trình độ văn hóa thấp thường dễ bị bóc lột tại xứ người.

Thứ ba, nước xuất khẩu lao động hầu hết là những nước không thành công trong các chiến lược phát triển kinh tế. Với trình độ văn hóa thấp, người dân các nước này không khỏi lo âu khi rời xứ sở ra nước ngoài làm việc. Tại châu Á, ngay cả việc rời nông thôn để ra thành thị đối với họ cũng không phải là sự chọn lựa dễ dàng. Thành ra, nếu trong nước có công ăn việc làm, ít người muốn tham gia xuất khẩu lao động.

Thứ tư, cho đến nay, trong những nước xuất khẩu lao động chưa thấy nước nào đưa vấn đề này vào chiến lược phát triển kinh tế chung, trong đó lao động được đưa đi sẽ bảo đảm rèn luyện được tay nghề khi trở về, ngoại hối thu được sẽ được dùng một cách hiệu quả trong việc du nhập công nghệ, tư bản… và nhất là có kế hoạch chấm dứt xuất khẩu lao động trong tương lai.

Tại VN, không kể thời kỳ quan hệ kinh tế mật thiết với các nước Đông Âu, xuất khẩu lao động tăng nhanh từ cuối thập niên 1990 và chủ yếu sang các nước và lãnh thổ ở Đông Á, nhất là Malaysia, Đài Loan và Hàn Quốc. Gần đây, thị trường xuất khẩu lao động mở rộng sang Trung Đông, Tây Âu và Mỹ. Từ năm 2001, bình quân mỗi năm có 70.000 lao động được đưa ra nước ngoài. Hiện nay có hơn 400.000 lao động VN làm việc tại 40 nước và lãnh thổ, trong đó riêng tại Malaysia có hơn 100.000 người, chíếm độ 10% tổng số lao động nhập khẩu của nước này.

Báo chí đã nói nhiều về tình trạng khó khăn, nhiều trường hợp rất bi thảm của người lao động đang làm việc ở nước ngoài. Cùng với hiện tượng ngày càng nhiều phụ nữ VN kết hôn với người nước ngoài chỉ vì mục đích giải quyết khó khăn về kinh tế, việc xuất khẩu lao động trở thành vấn đề bức xúc của xã hội ta, xúc phạm lòng tự trọng của người VN. Đặc biệt xuất khẩu lao động làm cho hình ảnh của VN trên thế giới không mấy sáng sủa. Tổn thất này có bù đắp được bằng mấy tỉ đôla ngoại hối do xuất khẩu lao động mang lại hằng năm?

Sớm chấm dứt xuất khẩu lao động

Trong nước đang bàn về dự thảo Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua luật này vào cuối năm 2006. Hi vọng việc tổ chức sẽ được cải thiện, nhất là tránh được tình trạng người lao động bị bóc lột ngay tại nước mình trước khi được “xuất khẩu”. Tuy nhiên, trên căn bản, tôi nghĩ vấn đề xuất khẩu lao động của VN cần được giải quyết theo hướng sau:

Thứ nhất, cần đưa vấn đề này vào trong một tổng thể của chiến lược phát triển kinh tế, trong đó điểm mấu chốt là giải quyết công ăn việc làm cho mọi người có khả năng lao động. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, việc dùng ngân sách để yểm trợ các dự án phát triển công nghiệp phải hướng vào điểm mấu chốt đó. Việc hoạch định chính sách theo hướng đó và công bố rộng rãi chính sách này sẽ làm người dân tin tưởng vào tương lai đất nước, thấy an tâm là mình sẽ không bị bỏ rơi trong quá trình phát triển và như vậy giảm được áp lực tham gia xuất khẩu lao động.

Thứ hai, đặt kế hoạch đưa lao động đi thực tập và làm việc tại các nước phát triển theo một chương trình chuẩn bị chu đáo để bảo đảm người lao động có thể học tập qua công việc và quyền lợi lao động được bảo vệ. Những lao động được chọn đi không nên là lao động quá giản đơn (unskilled) mà là lao động có một trình độ học vấn nhất định (semi-skilled) để dễ thích nghi với điều kiện văn hóa, xã hội ở nước ngoài và nhất là để có thể lĩnh hội tri thức mới qua công việc.

Thứ ba, có lẽ trong những năm trước mắt chưa thể chấm dứt ngay vấn đề xuất khẩu lao động, do đó cần tổ chức tốt để hoạt động này có hiệu quả hơn, tránh tình trạng lao động bị bóc lột như trong thời gian qua. Nói cụ thể hơn, cần thu thập, phân tích thông tin liên quan đến thị trường lao động, tổ chức theo dõi, quản lý tại các nước và phổ biến rộng rãi trong nước để người dân có đủ cơ sở chọn lựa tham gia xuất khẩu lao động hay không.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh lại điểm sau đây: một nước xuất khẩu nhiều lao động giản đơn hầu hết, nếu không nói là tất cả, là những nước nghèo, và do đó hình ảnh của những nước này không mấy sáng sủa trên vũ trường thế giới. Có kế hoạch chấm dứt tình trạng này trong một thời gian càng ngắn càng tốt là trách nhiệm của những người lãnh đạo đất nước.

Theo Trần Văn Thọ (Tokyo)
Tuổi trẻ

Rate this post