TẠI SAO LAO ĐỘNG VIỆT NAM SANG LÀM VIỆC TẠI QATAR CÓ TỶ LỆ VI PHẠM HỢP ĐỒNG CAO?

 

LTS. Theo đánh giá của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Qatar, thời gian tới thị trường này cần nhiều lao động nước ngoài để xây dựng các công trình lớn, như sân bay quốc tế mới (11 tỷ USD), cảng nước sâu (5,5 tỷ USD), hệ thống đường bộ (20 tỷ USD)…Tháng 5/2010, Bộ trưởng Lao động Qatar, khi tiếp Đại sứ ta đã tuyên bố hoan nghênh lao động Việt Nam sang làm việc tại nước này và bãi bỏ mọi hạn chế việc cấp visa. Cùng với tình hình lao động ta tại đây đang đi vào ổn định, số vụ việc giảm đáng kể, một số nhà thầu đã bắt đầu quan tâm đến việc nhận lại lao động Việt Nam.
Tuy nhiên trước khi có các động thái thăm dò để tiếp tục cung ứng lao động cho thị trường này, một việc cũng rất cần được quan tâm là phân tích, đánh giá các vi phạm thường mắc phải của lao động Việt Nam dẫn đến việc phía bạn ngừng tiếp nhận nhiều lần trong thời gian qua. Lao động và việc làm ngoài nước xin đăng ý kiến nghiên cứu, phân tích, đánh giá của ông Đoàn Kiến Trung, Bí thư thứ nhất phụ trách lao động tại Qatar để bạn đọc tham khảo.

Vụ việc xảy ra nhiều đồng nghĩa với rủi ro lớn hơn đối với lao động ta so với người lao động các nước khác ở thị trường này hay so với lao động ta ở những thị trường khác. Đây luôn là câu hỏi lớn. Người viết bài mong muốn tham gia vào việc làm sáng tỏ một phần câu hỏi này.

Lâu nay, ở hầu hết các thị trường lao động, rất nhiều doanh nghiệp cung ứng lao động Việt Nam với cách làm mang tính “ăn xổi”, đã ít chú trọng việc cung ứng lao động có chất lượng đảm bảo về các mặt. Chỉ những thị trường do quy định luật pháp của nước tiếp nhận chặt chẽ, yêu cầu của chủ sử dụng cao mới buộc doanh nghiệp ta, tuyển chọn, đào tạo, quản lý… một cách đầy đủ các quy trình, quy định nhờ đó có được chất lượng theo yêu cầu của nước tiếp nhận. Cần phải xác định nguyên nhân chủ quan là nguyên nhân đầu tiên, trước hết, lớn nhất. Tuy nhiên, không thể bỏ qua đặc thù của thị trường Qatar.

I.                  Nguyên nhân khách quan :

1. Ở Qatar, đa số lao động ta làm nghề xây dựng (95%), công việc vất vả, rủi ro cao nhất về mọi khía cạnh (công việc, thu nhập không ổn định, độ an toàn thấp, chỗ ở hay phải di chuyển, mang tính tạm bợ…). Với những lao động làm các công việc khác thì cũng là những công việc liên quan, phục vụ cho ngành xây dựng: nhôm kính, hàn kết cấu, mộc xây dựng… nhiều lúc cũng vẫn phải làm ngoài trời, đi theo các công trình.

2. Qatar là một trong những quốc gia có thời tiết khí hậu khắc nghiệt nhất thế giới. Nhiều tháng hè, nhiệt độ giữa trưa lên trên dưới 50 độ C. Đến từ một đất nước có thời tiết, khí hậu thuận lợi hơn so với các nước ở Nam Á, Bắc Phi, lao động Việt Nam có khả năng thích ứng kém hơn lao động các nước khác làm việc ở Qatar.

3. So với lao động các nước khác, lao động Việt Nam chịu áp lực cao hơn do phải chịu mức chi phí sang làm việc cao (chủ yếu là tiền vé máy bay có chặng bay dài hơn nhiều, nợ lãi ngân hàng…). Người lao động ta đi làm việc từ một đất nước có mức sống khá hơn những bang hay khu vực nông thôn nghèo nhất của các nước Nam Á, Bắc Phi, họ không hài lòng với mức thu nhập chỉ khoảng trên 200 USD/tháng. (lao động các nước khác tìm cách ra đi bằng mọi giá giống như người Việt Nam được đi nước ngoài thời bao cấp và hoàn toàn hài lòng với những gì đang có được).

4. Sự khác biệt lớn giữa văn hóa Việt Nam với văn hóa, phong tục, tập quán Qatar, trong khi  lao động các nước có nền văn hóa hồi giáo, ít khác biệt hơn (ngôn ngữ, tôn giáo, ăn uống, sách báo phim ảnh…). Lao động các nước khác dễ hòa đồng hơn. Các hình thức vui chơi giải trí hầu như không có hoặc có thì nằm ngoài khả năng của lao động ta.

Phong cách làm việc và quản lý lao động hoàn toàn khác với ở Việt Nam, không nêu cao hiệu quả công việc, tiến độ công việc kéo dài, thu nhập không mang tính công bằng và khuyến khích sáng tạo.

5. Có một số ý kiến cho rằng, vì coi việc người nước ngoài làm việc ở Qatar là đang được hưởng đặc quyền do người Qatar “ban phát”, Qatar không cần quan tâm tới việc hoàn chỉnh Luật pháp điều chỉnh các mối quan hệ với họ như ở UAE. Luật pháp, quy định của Qatar không có các quy định cụ thể để giải quyết tranh chấp giữa người lao động và chủ sử dụng, giữa họ với nhau…, các cơ quan chức năng đối xử với lao động nước ngoài không công tâm (thường là ủng hộ giới chủ và có lợi cho người địa phương hay người Arập). Khi xét xử, bình đẳng cũng không được tòa án coi là nguyên tắc, phán quyết phần lớn dựa trên lời khai dễ dẫn đến oan sai, đặc biệt là lao động Việt Nam không có đủ ngôn ngữ để tự minh oan; xét xử thường kéo dài không theo nguyên tắc nào (thường thì lao động nước ngoài không có khả năng tài chính để nán lại theo đuổi vụ kiện mà phải bỏ cuộc), phán quyết ít có tính khả thi.

6. Người lao động ta gặp phải sự cạnh tranh không lành mạnh từ những cộng đồng lao động nước ngoài khác đã có mặt ở Qatar từ vài chục năm nay. Họ sẵn sàng tuyên truyền thổi phồng những vụ việc dù nhỏ liên quan đến lao động ta qua các phương tiện thông tin báo chí, qua bộ máy quản lý các doanh nghiệp Qatar (mà họ chiếm số đông và có thể thao túng).

Tóm lại, người lao động Việt Nam phải chịu áp lực lớn về công việc, môi trường xã hội khác biệt, thời tiết khắc nghiệt cộng thêm  tâm lý kiếm tiền nhanh .

  II. Nguyên nhân từ phía người lao động:

1. Nấu và uống rượu, sau khi uống say thường có hành vi thái độ không kiềm chế, dễ nổi nóng, đánh nhau, gây rối trật tự;

2. Khi thấy có lợi nhuận cao đem bán với số lượng rất lớn; nhiều người cáo ốm ở nhà để nấu rượu, thậm chí bỏ trốn khỏi công ty chỉ để nấu rượu bán vì kiếm được tiền nhiều, nhanh hơn, việc nhẹ nhàng hơn đi làm ngoài công trường. Việc nấu rượu kinh doanh mà bị bắt thường “được” trục xuất sớm, càng khuyến khích nhiều người làm theo.

3. Một hình thức giải trí ngoài giờ khác cũng bị pháp luật cấm đó là đánh bạc, sau khi thua được, mất đoàn kết dẫn đến đánh nhau

4. Ở một đất nước, vật tư xây dựng, tài sản…từ trước đến nay không cần cất giữ cẩn thận, đang là môi trường thuận lợi cho những kẻ trộm cắp. Trộm cắp là một hình thức kiếm tiền nhanh và nhiều để về nước đối với một số lao động Việt Nam. Nếu chẳng may bị bắt thì đôi khi cũng “được” trục xuất về nước ngay, đó là cái “may”, một số người khác lấy đó để  “học”  theo cách làm này .

5. Có thời kỳ, do chủ sử dụng không có cách quản lý chặt chẽ, một số thành phần có tiền án tiền sự “lọt lưới” từ trong nước trà trộn trong số lao động sang đây làm việc, tìm cách rủ rê, kích động hình thành một băng cướp người Việt chuyên đi trấn lột tài sản của lao động Việt Nam.

Do những khó khăn trên, sau một thời gian hoạt động,  nhiều doanh nghiệp Việt Nam và đặc biệt người lao động không còn mặn mà với thị trường Qatar nếu như thu nhập, điều kiện làm việc… không được cải thiện đáng kể. Khó hy vọng vào một mặt bằng thu nhập mới cao hơn cho lao động Việt Nam, trong khi lao động các nước khác vẫn chấp chấp nhận mặt bằng cũ và vẫn đang tìm cách vào nước này.

Tuy quan hệ giữa 2 nước rất tốt nhưng các cơ quan chức năng Qatar vẫn rất ngại, (nếu không nói là tìm cách cản trở) không muốn tạo điều kiện, hỗ trợ cho lao động Việt Nam vào làm việc do nhiều vi phạm xảy ra như đã nói. Một bộ phận người lao động Việt Nam đã gây xáo trộn cho xã hội nhỏ bé, làm đau đầu các nhà chức trách, tạo ra dư luận xấu. Định kiến với lao động Việt Nam là điều đang hiện hữu.

Ở cấp Chính phủ, hồi tháng 3 năm 2009, trong chuyến thăm chính thức, Thủ tướng Việt Nam đã đề nghị phía Bạn xem xét vấn đề nhận lao động Việt Nam (trước đó, thị trường đã từng bị đóng cửa và được mở trở lại 2 lần, nhờ có sự can thiệp cấp cao). Do bị hạn chế việc cấp visa trong thời gian dài, các doanh nghiệp Việt Nam hầu như không đưa được lao động sang thị trường này, mặc dù một số chủ sử dụng vẫn còn mến mộ phong cách làm việc, sự khéo tay, thông minh của lao động ta.

Đại sứ quán đã và đang có nhiều nỗ lực để thúc đẩy, do nhận thấy ở thị trường lao động Qatar, người lao động có thu nhập khá hơn so với các thị trường như Malaysia, A rập Saudi… lại không phải chịu thuế thu nhập, quan hệ chính trị thuận lợi, hai nước đã  ký Hiệp định hợp tác về lao động./.

(Theo vamas)

Rate this post