Vụ gần 40 lao động Việt Nam kêu cứu tại LB Nga: 11 Lao động đã về nước (14/05/2012)

                           

11h35 ngày 13.5, 11 người trong số gần 40 LĐ đi LĐXK tại Ekaterinburg, tỉnh Sverlov (LB Nga) làm công nhân may và giày da đã về đến sân bay Nội Bài an toàn, sau hơn 4 tháng sống và làm việc trong điều kiện kham khổ.

           

11 lao động đã về nước

Sau thời gian khổ ải ở LB Nga, 11 lao động đầu tiên đã về đến sân bay Nội Bài hôm 13.5.

Hơn 100 ngày cơ cực Theo phản ánh của những LĐ về nước ngày 13.5 thì nếu không có sự can thiệp của Lãnh sự quán VN tại Liên bang Nga và tiếng nói của các cơ quan báo chí thì không biết đến bao giờ họ mới được về nước. Các LĐ cho biết sau khi được đưa sang Ekaterinburg ngay ngày hôm sau họ đã bị đưa đi làm việc cho dù trước đó trong số họ không một ai biết gì về nghề may hay giày da. Ngoài việc phải lao động trong xưởng, khi có hàng về hay vận chuyển hàng đi bán, tất cả các lao động trở thành công nhân bốc vác.Họ phải làm quần quật, bốc xong lại phải vào xưởng làm việc mà định mức khoán không giảm.Chị Trần Thị Oánh (41 tuổi) quê Tiên Lữ – Hưng Yên kể trong nước mắt: “Gia đình tôi rất khó khăn, để có đủ số tiền 15 triệu đồng nộp phí tôi đã phải đi vay của anh em, họ hàng với hy vọng sau một thời gian làm việc nơi xứ người, cuộc sống gia đình tôi sẽ đổi thay”. Nhưng sau khi sang Ekaterinburg chị phải làm việc quần quật từ 8 giờ sáng đến 21-22h giờ đêm và ngày đầu tiên định mức đã là 4.000 đôi giày và đến khi dừng việc không làm nữa thì mức khoán của chị đang ở mức 6.500 đôi giày/ngày làm việc. Mức khoán là bao giờ xong thì được về không quan trọng thời gian.“Với bản chất là người nông dân cần cù chịu khó, vất vả từ tấm bé tôi chưa biết nề hà bất kỳ công việc gì, nhưng với mức khoán thế tôi không thể nào kham nổi, làm kiệt sức và phát ốm mà cũng không được cho nghỉ hay cho uống thuốc” – chị Oánh cho biết thêm.

Việc làm đã vất vả, thường xuyên phải làm thêm giờ nhưng bữa ăn của họ cũng rất kham khổ, ăn cũng không đủ ấm bụng, theo các LĐ thì bữa sáng của họ gồm 1 tô cháo loãng và 1 bánh màn thầu, bữa trưa là khoai tây luộc nhừ và bữa tối là 1 bát cơm với hành tây hoặc rau bắp cải xào. Nhưng ngủ còn tệ hơn, một phòng ở ít nhất là 20 người cả nam và nữ, chị Oánh và một phụ nữ khác là Trần Thị Quyền phải ở chung với gần 20 người là con trai, để không bất tiện, 2 chị phải lấy bìa carton làm tường che.

Cũng theo những LĐ thì không chỉ kham khổ khi ở xưởng mà khi lên khu nhà trọ chờ mua vé về thì cuộc sống của họ cũng chẳng khấm khá hơn. Họ phải ở chen chúc tại một căn hộ 14 tầng. Nguyễn Văn Dũng – đầu mối tiếp nhận lao động tại Nga – cũng chỉ đem gạo và mắm, muối để đủ ăn cầm hơi. Nếu không có những người Việt tốt bụng đem cho gạo và nước uống, không biết họ sẽ sống ra sao.

Vẫn còn LĐ bị mắc kẹt

Bức xúc trước việc bị đối xử ăn ngủ và làm việc khó khăn vất vả không đúng với hợp đồng đã ký kết, NLĐ đã bị chủ người Trung Quốc dọa nếu không làm việc sẽ cho mafia xử và điển hình là ngày 29.4 khi NLĐ lên tiếng phản đối, chủ người Trung Quốc đã treo 1 con chó bị chặt hết 4 chân lên cửa sổ làm ai ấy đều khiếp sợ.
Theo anh Trần Văn Trọng – một trong số lao động được “cứu thoát” trong vụ này – thì được về VN là niềm hạnh phúc nhất. “Nhưng hiện tại đời sống của những LĐ chưa về được cực kỳ khó khăn, nhất là 16 LĐ đang mắc kẹt tại nhà máy. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là các cơ quan chức năng sớm can thiệp để đưa hết số LĐ trên về nước. Đồng thời, kiên quyết xử lý những kẻ lừa đảo đưa chúng tôi ra nước ngoài làm việc trái phép và buộc Trần Thị Miền phải có trách nhiệm trả lại chúng tôi khoản tiền đặt cọc và số tiền chúng tôi phải làm việc quần quật hơn 4 tháng qua” – anh Trọng nói.Được biết, hiện còn 16 lao động đang kẹt tại nhà máy và 12 người đang chờ làm thủ tục về nước và theo lịch thì ngày 26.5 này sẽ có 12 người trên được về nước. Theo người nhà anh Lê Trung Kiên (một trong số 16 LĐ vẫn đang ở nhà máy) điện về cho biết từ 9.5 đến nay chủ Trung Quốc thu hết nồi cơm điện không cho tự nấu ăn nữa, không được tắm và mỗi ngày 1 người chỉ còn 2 gói mì tôm. Ông Trần Văn Vãng ở Tiên Lữ – Hưng Yên (bố của anh Trần Văn Giang) cho biết, con ông không về được đợt này nhưng vì sốt ruột ông vẫn lên sân bay Nội Bài gặp những người về nước trước hỏi thăm tình hình của con.

MINH HẠNH (laodong.com.vn)
Rate this post