Có tay nghề nhưng thất nghiệp

Photobucket
Đại đa số lao động sau đi xuất khẩu về đã không tìm được việc làm phù hợp. Chẳng khó khăn để nhận ra nguyên nhân của tình trạng trên. Việc làm được đào tạo tại các nước bạn khi đưa về nướ không phát huy tác dụng. Nếu có việc thì thu nhập lại thấp “chưa ráo mồ hôi đã hết tiền”  .

Bấp bênh nẻo mưu sinh

Lao động xuất ngoại, các làng quê nghèo ở nhiều vùng miền đất nước đã dần thay da đổi thịt. Nhiều người dành dụm tiền, cùng với chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động của địa phương đã tự tin đi sang Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và Malaysia… để làm ăn. Thị trường xuất khẩu lao động đang mở ra cánh cửa rộng cho các đối tượng xóa đói giảm nghèo nhưng hậu xuất khẩu lao động lại khép lại với lắm chông gai.

Chị Nguyễn Thị Hương (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau 3 năm trụ được tại Malaysia và tích cóp được 50 triệu đồng. Số tiền ít ỏi chị nhờ người em hộ mua mảnh đất nhỏ ở thị xã Đồng Xoài, Bình Phước và dựng căn nhà cấp 4. Hiện nay chị đang đi tìm kiếm việc ở các khu công nghiệp. Nếu thu nhập không ăn thua chị tính đến phương án quay lại quê nhà làm nông.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, từng đi xuất khẩu lao động bằng con đường tu nghiệp sinh, anh Phan Hữu Dũng (sinh năm 1984 – TP Hải Dương) sau ba năm làm tại một công ty lắp đặt xe máy tại Nhật, anh về Hà Nội và dùng số tiền tiết kiệm mở cửa hàng cắt tóc gội đầu tại đường Phạm Hùng. Anh nói, bố mẹ anh muốn anh về Hải Dương ở gần nhà nhưng ở bên Nhật công việc của anh là “sơn mạ” theo dây chuyền hiện đại. Việc này về quê không thể phát huy nếu như không có thiết bị tương tự.

Anh Dũng và chị Hương nằm bộ phận người lao động sau khi đi xuất khẩu về đều có công việc làm ngay, nhưng chủ yếu là hướng theo các công việc lao động có vị thế thấp – giản đơn, hoặc là tự làm hay lao động hộ gia đình, không đúng với công việc được đào tạo và làm việc tại các nước mà họ từng có thời gian dài lao động, tiếp cận.

Nhưng cũng có những trường hợp khác, vật lộn với cuộc sống khó khăn hơn do không trả được nợ vay sau khi về nước. Thông thường số lao động này tập trung chủ yếu vào nhóm lao động đi làm việc tại Malaysia. Nguyên nhân chủ yếu ở đây là do về nước trước hạn hay về nước đúng hạn nhưng thường xuyên bị ngừng việc hay thiếu việc làm do khủng hoảng kinh tế nên không đủ tích lũy để trả nợ.

Mặc dù Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có nhiều nỗ lực bứt phá, phát huy tác dụng từ xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, hậu cảnh đổi đời làm giàu, đại đa phần là thất nghiệp. Đây là một nghịch lý tồn tại nhiều năm qua. Những lao động hết hợp đồng về nước là nguồn lao động có cả vốn lẫn tay nghề nhưng họ đang làm gì ở khu vực nào, hay quay lại làm nông nghiệp, hầu như chẳng ai để ý.

Thiếu định hướng

Trong khảo sát “Đánh giá thực trạng lao động đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng đã trở về Việt Nam” do Ngân hàng thế giới tài trợ được thực hiện trong 2 năm 2010 và 2011 từng khẳng định: “Người lao động còn gặp khó khăn trong hòa nhập thị trường lao động sau khi về nước”. Hầu hết người lao động có việc làm trong khoảng 1 tháng đầu sau khi về nước (90,39%). Mặc dù vậy, phần lớn người lao động vẫn cho rằng khá khó khăn để tìm được công việc có thể phát huy được kiến thức, kỹ năng mà họ thu nhận được trong quá trình làm việc ở nước ngoài. Chỉ một bộ phận nhỏ người lao động sau khi về nước tìm được việc làm đúng ngành nghề như ở nước ngoài. Đáng lưu ý, một số lao động trở về từ Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn thất nghiệp vì chưa tìm được công việc phù hợp và có mức lương tốt như mong muốn.

Bản khảo sát nói trên ghi rõ: khó khăn chủ yếu của 41,72% người lao động sau khi về nước là khó tìm việc, mà nguyên nhân cơ bản là do thiếu thông tin về việc làm và thị trường lao động; ngoài ra, một số nguyên nhân khác là thiếu vốn và kiến thức làm ăn, cũng như trình độ thấp là những rào cản để họ tìm hay tạo được một việc làm phù hợp.

Một bất cập khác trong quá trình đưa lao động đi xuất khẩu và sau khi trở về nước là các doanh nghiệp thiếu trách nhiệm với họ, dẫn đến những thiệt thòi cho lao động. Muốn giảm thiểu tối đa thiệt thòi cho người lao động, thời gian tới, các bộ, ngành liên quan cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với lao động từ nước ngoài trở về. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp XKLĐ với các địa phương để nắm rõ tình hình của các lao động trở về và có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa khẳng định: Tới đây, phải tăng cường bảo vệ lợi ích, quyền lợi của người lao động, không những trước khi đi mà cả trong quá trình họ làm việc ở nước ngoài và sau khi về nước. Các cơ quan quản lý phải cố gắng thông tin đến người dân, tránh tình trạng cò mồi, lừa đảo người lao động. Bên cạnh trách nhiệm của Nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội cần tham gia nhiều hơn ngay từ trong quá trình tư vấn ở trong nước cho người lao động đến quá trình làm việc của họ ở nước ngoài, cũng như thu hút số lao động này vào làm việc trong nước.

Trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm cả nước có khoảng 45.000 người đi xuất khẩu lao động, trong đó khoảng gần 15.000 người làm việc trong các nhà máy. Trong khi đó, tại các khu công nghiệp ở phía Nam tình trạng thiếu công nhân, khó tìm lao động vẫn đang diễn ra phổ biến. Các số liệu trên cho thấy, nếu sử dụng số lao động này vào làm việc cho các công ty, DN sản xuất trong nước sẽ đạt lợi ích không nhỏ, bởi trường nghề không tốn công đào tạo, DN cũng đỡ tốn tiền đào tạo lại mà người lao động phát huy được tay nghề chuyên môn sau thời gian tiếp thu công nghệ ở nước ngoài trở về.

Rate this post