Hào Khí Bắc Ninh

Năm qua kinh tế toàn cầu thấm sự trừng phạt của cuộc khủng hoảng suy thoái suốt từ năm 2008. Nhiều quốc gia áp dụng các rào cản kỹ thuật, rào cản thuế quan, trợ giá của Chính phủ, cắt giảm chi tiêu… dẫn đến việc xuất khẩu sẽ khó khăn. Tất cả gian nan, dồn dập đè nặng các quốc gia trong đó có Việt Nam. Đất nước phải đồng thời lo giữ gìn độc lập, chủ quyền, vừa phải bảo đảm hòa bình, ổn định để phát triển! Trong vòng xoáy nghiệt ngã, Bắc Ninh đã lựa chọn kịch bản tối ưu của riêng mình.

Lãnh đạo tỉnh ta bằng tư duy khoa học, kinh nghiệm từng trải, từ thực tiễn, đã không chạy theo ước muốn nóng. Kết quả năm 2012 đã chấm điểm cao cho chủ trương này. Trong năm qua đã thấy rõ hàng loạt các giải pháp được thực hiện: Giảm, giãn, đình hoãn, thu hồi giấy phép của các dự án đầu tư không thiết thực, không hiệu quả tương đương hàng trăm ha đất. Ngừng triển khai giải phóng mặt bằng xấp xỉ 700 ha của tập đoàn Hồng Hải, 1 số dự án nhà ở thuộc thị xã Từ Sơn, đang xem xét xử lý, 70 dự án có biểu hiện “treo”… Tập trung cao nguồn lực cho các công trình trọng điểm: giao thông, y tế, xây dựng nông thôn mới ở 8 xã điểm, thí điểm bảo hiểm vật nuôi. Rà soát, đánh giá, tổng kết hoạt động của các doanh nghiệp, các khu công nghiệp để điều chỉnh hoạt động trên cả 2 mặt: sản xuất và quản lý. Thực hiện hạ lãi suất vay tín dụng về mức 15%, tăng thêm sản phẩm bảo lãnh tín dụng (dự thầu, thực hiện hợp đồng) trong xây dựng cơ bản. Tăng tỷ lệ điều tiết phần thụ hưởng ngân sách cho cấp xã, huyện. Khuyến khích tiêu dùng giảm tồn kho, cắt giảm chi tiêu công, đình chỉ đầu tư ngoài ngành.

Cả tỉnh ta hiện có 15 KCN với diện tích 7.681 ha. Nhờ có chuyển biến mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính, nâng cấp thông tin, tăng chỉ số năng lực cạnh tranh, chính sách rõ ràng, minh bạch, thân thiện. Chúng ta đã lôi cuốn hàng loạt các tập đoàn kinh tế mạnh của các nước phát triển vào đầu tư ở Bắc Ninh; đó là tập đoàn Canon, Samsung, Nokia, Sumitomo, Foxcon, Pepsico…

Năm 2012 giá trị sản xuất công nghiệp 84.884 tỷ đồng (tính theo giá cố định 1994), xuất khẩu 13,7 tỷ USD, nhập khẩu 12,3 tỷ USD giải quyết việc làm cho 97.772 lao động, nộp ngân sách 2.653 tỷ VNĐ.

Cùng với công nghiệp, nông nghiệp tỉnh ta vẫn được mùa, diện tích canh tác giảm, nhưng bù lại, năng suất tăng, giống mới, kỹ thuật mới được nông dân hồ hởi áp dụng, sản lượng lúa vượt kế hoạch, cây mầu vụ đông được chú ý, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản đều phát triển.

Cổ nhân dạy “Phi nông bất ổn”, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp là hàm chứa cả việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp… Rồi đây sẽ xuất hiện người nông dân áo nâu, áo xanh thậm chí công nhân cổ cồn làm nông nghiệp. Tỷ trọng giá trị nông nghiệp trong tổng GDP có giảm nhưng trị số tuyệt đối sẽ tăng. Mặc dù vậy lĩnh vực tam nông vẫn còn nhiều nổi cộm: đầu tư vào nông nghiệp quá ít. Chúng ta nợ tam nông nhiều, thực tế yêu cầu chúng ta phải hành động mạnh mẽ hơn vì tam nông.

Đối với nông nghiệp (trồng cây lương thực, thủy sản, lâm nghiệp, chăn nuôi…) cần phải công nghiệp hóa. Trong khi: nông dân mầy mò tự chế máy xới luống, máy gặt đập liên hợp, máy hái quả, máy tách hạt thì hàng loạt nhà khoa học các ngành lại ít có phát minh phục vụ nông nghiệp. Các khâu canh tác: làm đất (cày, bừa) gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến vẫn thủ công là chính.

Hiện đại hóa nông thôn. Đây là nội dung lớn trong xây dựng nông thôn mới, thực chất là đô thị hóa nhưng mang cốt lõi của nông thôn truyền thống. Nếu trước đây làng xóm yên bình sau lũy tre làng thì nay bị phá vỡ bởi: dân đông hơn, nhu cầu về nhà ở, về hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, môi trường, giao thông), về hạ tầng xã hội (chợ, trường học, bệnh viện, công viên, nhà văn hóa…) đều tăng. Nếu không sớm quy hoạch và quản lý chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch sẽ nẩy sinh tự phát và liên tục phải chỉnh sửa. Sẽ không có mô hình hoặc công thức mẫu nào thỏa mãn cho việc hiện đại hóa nông thôn nhưng có thể quy nạp nhiều tiêu thức theo đầu người. Ví như nhà ở, m2 đường giao thông nội thôn, liên thôn, m3 nước sạch, xử lý chất thải… Ngay cả việc xây dựng nhà ở cũng cần có hướng dẫn để tránh xô bồ, xộc xệch thiếu mỹ quan.

Trí thức hóa nông dân, cốt lõi của việc này chính là đào tạo để sớm cải thiện khả năng lao động nông thôn theo hướng: Tìm mọi biện pháp “li nông bất li hương”. Tìm việc, cấy nghề, tạo nghề, thay đổi tập quán canh tác, tận dụng sức lao động. Hàng loạt mô hình sản xuất mới: trồng rau, cây cảnh, trồng hoa, làm màu, nghề thủ công mới. Phát triển nghề sửa chữa, xây dựng nhỏ, dịch vụ, hình thành doanh nghiệp ở nông thôn.

Xuất lao động khỏi nông thôn qua xuất khẩu lao động, qua cung cấp lao động cho các doanh nghiệp. Muốn vậy phải đào tạo nhiều mặt: nào là tay nghề, nào kiến thức pháp luật, nào là đạo đức công nhân, nào là vốn ngoại ngữ… Quả là quá nhiều việc, cái gì cũng cần, tuy khó nhưng không thể không làm. Đây chính là dư địa hấp dẫn các nhà lãnh đạo, các nhà kỹ thuật, với tất cả những ai có trách nhiệm và tình cảm yêu quý nông dân.

Vậy là tỉnh ta đã có bước đi dài về công nghiệp, nông nghiệp trong điều kiện ít thuận lợi. Thành quả sẽ vững chắc, sẽ chất lượng cao hơn nếu khắc phục được những khuyết tật đã và đang nảy sinh, đe dọa quá trình phát triển: Trong công nghiệp, chúng ta không thể không xúc tiến mạnh mẽ công nghiệp hỗ trợ chủ động. Các doanh nghiệp chủ lực tìm kiếm các doanh nghiệp hỗ trợ gần nhất nhằm hạ chi phí, tối đa hóa lợi nhuận. Chính vì thế Bắc Ninh có cơ hội phát triển công nghiệp hỗ trợ chủ động. Điều này phải làm ngay từ khâu hoạch định, phải đi từ vai trò lệ thuộc, bị động để tiến tới trở thành công xưởng hỗ trợ sáng giá không thể thay thế, trước khi có doanh nghiệp cạnh tranh sòng phẳng sản xuất ra sản phẩm cùng loại.

Chúng ta cần khẩn trương tiếp cận hiện đại hóa sản xuất công nghiệp. Tiêu chí đánh giá tính hiện đại tiên tiến được tham khảo qua các kênh: danh tiếng của tập đoàn kinh tế nổi tiếng, hàm lượng giá trị tri thức cấu thành trong giá thành sản phẩm. Trong công nghiệp nhẹ tỷ lệ chi phí nhân công bình quân chỉ chiếm 10-15% giá thành, nhưng trong các sản phẩm công nghệ cao tỷ lệ này gấp 2 lần.

Giá trị tri thức trong giá bán sản phẩm thậm chí đến 5-60%. Mức hiện đại hóa còn được biểu hiện ở tính cạnh tranh độc đáo trong phạm vi toàn cầu và cuối cùng là tỷ suất lợi nhuận của sản phẩm. Muốn nâng cao tính hiện đại hóa cần quan tâm khi lựa chọn công nghệ, có phản biện quốc gia, quốc tế…

Với sản xuất nông nghiệp có 2 việc rất cần tập trung; hiện đại hóa sản xuất (từ giống->sản xuất->chăm sóc->thu hoạch->bảo quản->chế biến->tiêu thụ) và tìm thêm việc làm cho lao động nông thôn. Có nhiều cách giải quyết vấn đề này nhưng bấy lâu nay chúng ta tập trung nhiều vào việc dậy nghề mà thiếu tìm hiểu thị trường. Nếu tạo điều kiện để nông dân tiếp xúc với thị trường, tiếp xúc với các cơ sở trang trại nông nghiệp ở nước ngoài, người nông dân sẽ có cách làm hay hơn là ngồi nghe hướng dẫn.

Lại một năm qua đi, tỉnh ta tiến thêm 1 bước dài trên đường phát triển. Chúng ta đã khắc tên tỉnh mình trong tốp các tỉnh dẫn đầu về kinh tế xã hội của quốc gia, đã phát huy được hào khí trên vùng quê yêu quý.

 

Rate this post