Lao động trình độ cao, cơ hội tìm việc… thấp

Theo Sở LĐTBXH, tính đến ngày 9.12, cả tỉnh đã giải quyết được 95,2% chỉ tiêu việc làm cho người lao động của cả năm 2012 – hơn 28.560 người theo kế hoạch. Trong đó, riêng ở lĩnh vực xuất khẩu lao động, cả tỉnh đã có 580 lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài.

Mất cân đối thị trường lao động

Theo ông Trương Ngọc Lý – GĐ Sở LĐTBXH Lâm Đồng – thì năm 2012, một hiện tượng rất đáng báo động là trong khi người lao động có trình độ cao (cao đẳng, đại học) có nhu cầu việc làm khá lớn thì nhu cầu của thị trường lao động lại không nhiều; và ngược lại, trong khi thị trường lao động cần nhiều đối tượng lao động kỹ thuật và trình độ phổ thông thì số lượng này nộp hồ sơ xin việc lại rất ít.
Ông Trương Ngọc Lý nói: “Chưa có năm nào như năm nay, người sử dụng lao động đi tìm người lao động là công nhân kỹ thuật lại khó hơn đi tìm người lao động có trình độ cao – từ cao đẳng trở lên”.

Theo báo cáo của Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Lâm Đồng, cả năm 2012, các nhà tuyển dụng đưa ra chỉ tiêu cần người lao động có trình độ công nhân kỹ thuật lên đến 543 người, nhưng trong thực tế chỉ có 342 người nộp hồ sơ xin việc

.Trong khi đó, cả năm, toàn tỉnh có trên 3.000 hồ sơ xin việc là người có trình độ đại học nhưng nhu cầu của nhà tuyển dụng chỉ “dừng” lại ở con số 90; 952 người có trình độ cao đẳng nộp hồ sơ, nhưng nhu cầu của nhà tuyển dụng chỉ là con số 69.

Phải lường trước khó khăn

Đạt chỉ tiêu 95,2% về giải quyết việc làm cho người lao động trong điều kiện nền kinh tế thế giới và VN đang khó khăn như năm 2012 của Lâm Đồng là điều rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc mất cân đối thị trường lao động theo hướng “ngược đời” như trên lại chính là dấu hiệu của một kiểu khó khăn mới mà cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng sẽ phải đối mặt trong tương lai.

“Năm 2013 tới, rất có khả năng tiếp tục “thừa” lao động có trình độ cao (cao đẳng, đại học), nhưng lại thiếu lao động là công nhân kỹ thuật” – ông Trương Ngọc Lý nhận định.

Một khó khăn khác của Lâm Đồng (và cũng là khó khăn chung của cả nước): Sự suy thoái kinh tế còn tiếp tục (tuy mức độ có thể giảm) nên không ít DN sẽ phải tiếp tục thu hẹp sản xuất, cơ hội tìm việc làm của người lao động không có nhiều, hiện tượng người lao động mất việc làm sẽ còn tiếp tục diễn ra…

Về xuất khẩu lao động, theo Sở LĐTBXH Lâm Đồng, một vài thị trường có tuyển dụng lao động với số lượng tương đối nhưng thu nhập không cao, trong khi chi phí để được xuất khẩu lao động lại không hề thấp, nên không hấp dẫn được người lao động ở Lâm Đồng.

Rồi nữa, với một vài thị trường lao động nước ngoài có thu nhập cao và tuyển dụng số lượng lớn (như thị trường Nhật Bản chẳng hạn), nhưng người lao động ở Lâm Đồng lại không đáp ứng những yêu cầu đặt ra như trình độ văn hóa, khả năng tay nghề, trình độ ngoại ngữ…

Rate this post