Tăng cường xuất khẩu lao động ở huyện nghèo

Để ổn định và phát triển thị trường cũng như đảm bảo chỉ tiêu xuất khẩu lao động trong năm nay, tránh nguy cơ “lung lay” một số thị trường lớn, bên cạnh các chính sách hỗ trợ lao động cho huyện nghèo, vẫn không thể xem nhẹ việc giáo dục ý thức, thái độ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Đề án hỗ trợ huyện nghèo xuất khẩu lao động theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững đã triển khai được 2 năm. Tới đây, để thu hút bà con quan tâm tham gia chương trình hơn, song song với cách làm linh hoạt của địa phương, Nhà nước còn khuyến khích bằng nhiều hình thức hỗ trợ mới.

Thoát nghèo nhờ “đi xuất khẩu”

Trong điều kiện khả năng giải quyết việc làm tại chỗ còn nhiều hạn chế, xuất khẩu lao động (XKLĐ) hiện nay thực sự là cơ hội giúp nhân dân các huyện nghèo đổi đời. Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nghệ An – một trong những tỉnh có số lượng người đi xuất khẩu lao động lớn nhất toàn quốc, hiện nay, có trên 43.000 người đang làm việc ở nước ngoài, tập trung chủ yếu ở các thị trường: Đài Loan (Trung Quốc), Malaixia, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Trung Đông. Hàng năm, ngoại tệ do lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài gửi về qua các ngân hàng thương mại đạt từ 90 – 95 triệu USD, đó là chưa kể nguồn do lao động mang về trực tiếp. Theo lãnh đạo sở này, xuất khẩu lao động đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.

Phỏng vấn, tiếp nhận hồ sơ người đi lao động ngoài nước tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội. Ảnh: Hữu Việt – TTXVN

Tỉnh Lào Cai được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt đề án “Hỗ trợ huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững giai đoạn 2009 – 2020”. Nửa đầu năm 2011, tỉnh này đã đưa được trên 200 lao động của ba huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài. Huyện Mường Khương có nhiều lao động đi nhất, với 108 người. Huyện Bắc Hà có 60 người và huyện Si Ma Cai có 40 người đi. Theo ông Trịnh Quang Chinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lào Cai, nhiều gia đình sau khi đi XKLĐ đã gửi được tiền về trả nợ ngân hàng, phát triển sản xuất gia đình. Người lao động đi làm ở Nhật Bản, thu nhập từ 10 – 20 triệu đồng/người/tháng; đi Malaixia, thu nhập từ 5 đến 9 triệu đồng…

Với một tỉnh vùng cao, biên giới, có 59 xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của tỉnh hiện nay là 43%, việc XKLĐ thực sự là một hướng đi mang lại những tác động tích cực với cuộc sống của bà con Lào Cai. XKLĐ cũng giúp bà con nhiều miền quê khác có được cuộc sống no đủ hơn. Theo chủ tịch UBND xã Trạm Tấu (huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái), nhiều người Mông ở Trạm Tấu đã thoát nghèo. Con cái đi XKLĐ gửi tiền về, họ đã biết mua thóc để ăn, mua trâu bò, đầu tư phát triển kinh tế, gửi tiền tiết kiệm và đặc biệt, có thể cho con em mình được đến trường.

Theo tổng hợp mới nhất của Bộ LĐ-TB&XH, từ khi triển khai Quyết định 71/2009/QĐ-TTg đến tháng 6/2011, trên cả nước có khoảng 5.500 lao động huyện nghèo đã được đi làm việc ở nước ngoài, thu nhập ổn định. Riêng trong năm 2011, tính đến thời điểm này đã có gần 1.000 lao động được đi, trong đó, 95% là hộ nghèo, người dân tộc thiểu số.

Đối mặt với nhiều lực cản

Mặc dù các địa phương đều đánh giá những tác động tích cực khi triển khai chương trình hỗ trợ XKLĐ cho huyện nghèo, tuy nhiên, nhận thức của lao động còn hạn chế, địa bàn hiểm trở là những trở ngại khiến phong trào XKLĐ ở huyện nghèo chưa mạnh.

Trước hết, chất lượng nguồn cung từ các huyện nghèo cho thị trường lao động nước ngoài đang là bài toán khó đối với công tác XKLĐ hiện nay. Theo ông Trịnh Quang Chinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lào Cai, hiện nay, công tác XKLĐ của địa phương còn gặp không ít khó khăn, trong đó có yếu tố chất lượng nguồn nhân lực. Một số lao động có trình độ văn hóa thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của những thị trường lao động lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc. Có những lao động đã hoàn thành khóa học định hướng thì lại đổi ý, không đi XKLĐ nữa. Trình độ dân trí còn thấp, hiểu biết về chính sách pháp luật về XKLĐ của bà con cũng kém và đa phần đồng bào là người dân tộc thiểu số có tâm lý ngại đi làm ăn xa nên việc đăng ký XKLĐ chưa được chủ động.

Bên cạnh những trở ngại từ chính bản thân người lao động, các yếu tố khách quan về điều kiện cơ sở hạ tầng cũng là một cản trở đối với việc đưa lao động huyện nghèo tiếp cận với chủ trương. Cũng theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lào Cai, với địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa, khó khăn hàng đầu vẫn là giao thông đi lại không thuận tiện. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thông tin về chương trình XKLĐ đến với một số xã nghèo còn hạn chế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chưa bố trí cán bộ thường trực ở địa phương nên việc tư vấn, phối hợp, hướng dẫn và thông tin về thị trường lao động cũng như hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cho người lao động còn hạn chế.

Đa dạng cách làm, mở rộng đối tượng hỗ trợ

Sở LĐ-TB&XH Khánh Hòa cho biết, từ tháng 9/2011, các lao động thuộc diện người có công, con thương binh liệt sĩ, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người có hộ khẩu thường trú tại các xã miền núi của tỉnh Khánh Hòa có nhu cầu đi XKLĐ sẽ được hỗ trợ 6 triệu đồng/người. Số tiền hỗ trợ này phục vụ cho việc học ngoại ngữ, tiền ăn trong thời gian học, tiền đi lại và các chi phí làm hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, làm lý lịch. Theo ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở, cách làm này nhằm khuyến khích những lao động hoàn cảnh khó khăn tham gia XKLĐ, từ đó tăng thu nhập bản thân, nâng cao chất lượng đời sống và kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo của địa phương.

Nhằm khuyến khích các địa phương tích cực thực hiện chương trình hơn, Chính phủ vẫn đang tiếp tục quan tâm, có nhiều chính sách góp phần thúc đẩy việc XKLĐ ở huyện nghèo. Theo Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011- 2020 trong Nghị quyết số 80/NQ-CP đã được Chính phủ phê duyệt, một ưu tiên quan trọng là mở rộng diện áp dụng chính sách hỗ trợ XKLĐ đối với lao động nghèo trên cả nước. Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ có chính sách ưu đãi cao hơn về mức đầu tư, hỗ trợ lãi suất đối với hộ nghèo ở các địa bàn đặc biệt khó khăn. Đây chính là những thuận lợi mới để người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tăng cơ hội tiếp cận với việc XKLĐ trong thời gian tới.

Mạnh Minh (theo Báo tin tức)

Rate this post