Xuất khẩu lao động:địa ngục trần gian đáng sợ ở Nga

8 người bị lừa đi xuất khẩu lao động sống trong căn nhà ọp ẹp 5 m2, cách ly với thế giới bên ngoài, nhiều ngày bị bỏ đói…

Như đã thông tin, Nguyễn Ngọc Ẩn (SN 1978, ấp Đầu Lá, xã Long Điền, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) lừa tám người đi xuất khẩu lao đông ở Nga. Điều đáng nói, những người bị lừa, hầu hết là bà con, hàng xóm của Ẩn. Đau lòng hơn, khi ở Nga, những người bị bán sống còn khổ hơn chết.Trong suốt khoảng một tháng, với chiêu thức “thổi” mức lương lao động ở bên Nga có giá lên đến 1.500 USD/tháng, Ân đã dụ được tổng cộng 8 người đó là: Nguyễn Văn Thuận, Đoàn Thị Xuân, Lương Thị Thương, Nguyễn Thị Phượng, Ngô Minh Hải, Nguyễn Văn Việt (cùng ngụ xã Long Điền, huyện Đông Hải), Đỗ Văn Bước (xã Phong Thạnh Tây, huyện Giá Rai), Phan Thị Nhi (xã Phong Tân, huyện Giá Rai).

Tất cả những người này phải đưa Ân vài chục triệu để lo liệu chi phí sang Nga. Sau khi thu thập được tám người này, để tạo sự tin tưởng, đồng thời che mắt thiên hạ, Ân giả vờ mở lớp đào tạo may. Trước khi đi, tất cả mọi người cố gắng xuay sở mua sắm áo quần mới, điện thoại mới…

Lên máy bay, cả 8 người đều hy vọng, ngày trở về sẽ khác, có nhiều tiền bạc, không phải sống trong nghèo khó. Họ đi với niềm vui khôn tả. Khi vừa chân ướt, chân ráo bước xuống sân bay ở nước Nga, một người đàn ông tự xưng là Vũ Bá Quang (gốc Hải Phòng) ra đón.

Quang đưa cả 8 người về nhà và cho ngủ trong căn phòng chừng 5 m2. Va ly chỉ mới được bỏ xuống, mọi người ngơ ngác khi Quang bảo: “Tao đã mua bọn mày. Từ nay, bọn mày phải làm để trả hết nợ thì mới được lấy tiền công”. Lúc đó, tất cả nhóm đều cho rằng ông Quang nói vui.

Ngủ một đêm, ngay sáng hôm sau, Quang đưa ra tờ giấy nợ, với nội dung, mỗi người nợ gã 40 triệu đồng, hoặc làm ba tháng không công thì mới bắt đầu được lãnh tiền công mọi người mới hiểu ra sự việc và rơi vào tuyệt vọng. Quang cho biết, hắn mua mỗi người với giá từ 3.000 đến 4.000 USD.

Như thế vẫn chưa đủ, hắn lấy hết tiền bạc, tư trang, tịch thu điện thoại di động để trừ trường hợp gọi về gia đình. Từ đó, mọi người phải may gia công cật lực một ngày 14 đến 15 giờ trong căn phòng chừng 5 m2. Thời gian làm việc cũng trái khoáy, từ 5h chiều đến 8h sáng. Nơi làm việc cũng là nơi sinh hoạt. Ông Quang đóng cửa lại, giam lỏng, chỉ mở ra khi có việc cần.

Trước khi sang Nga, ông Ẩn có đưa giấy ký hợp đồng với cho cả tám người xem thì lương mỗi tháng làm 1.500 USD. Tuy nhiên, khi sang đây, mỗi chiếc áo gia công, Quang nhận hơn 40.00 đồng, nhưng khi trả cho cả tám người chỉ 17.000 đồng. Mỗi tháng, một người cộng sổ được chừng 3 triệu đồng. Nhưng, ông Quang lại tính tiền ăn lên đến 3 triệu đồng mỗi tháng.

“Chúng tôi thực sự tuyệt vọng, muốn trở về Việt Nam nhưng không biết phải làm sao. Bởi, Quang giam lỏng cả tám người trong căn phòng chật hẹp. Cả nam và nữ đều ở chung trong đó. Thức ăn thì nghèo nàn lại ít ỏi. Không có giấy tờ tùy thân, lại không biết tiếng nên chỉ trông mong có phép màu đưa chúng tôi trở quê nhà. Với cách tính tiền của ông Quang, có lẽ, chúng tôi phải làm không công cho hắn suốt đời cũng không thừa một xu lẻ”, chị Lương Thị Thương chia sẻ.

Cùng tâm trạng, anh Nguyễn Văn Thuận bức xúc: “Khi ở bên đó, chúng tôi chỉ mong được trở về Việt Nam. Tuy nhiên, niềm hy vọng này dường như đã bị dập tắt vì không biết tiếng Nga, giấy tờ, điện thoại cũng không có”.

Lúc ở Việt Nam

Cả 8 người đều sống trong nghèo nàn. Họ hy vọng được đổi đời nhờ xuất khẩu lao động. Nhưng thực tế, khi sang Nga, họ trở thành nô lệ cho Quang. Hàng ngày, họ chỉ biết đến may áo quần, chưa một lần được bước ra khỏi cửa, nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Đối với họ, thế giới chỉ chật hẹp trong căn phòng chừng 5 m2.

Ban đầu, họ khóc, nhưng, mỗi lần như thế, Quang lại dọa: “Mấy người không làm thì sẽ không được ăn uống gì hết”. Không chỉ nói suông, những lần đó, đến bữa, hắn bỏ đói thật, nước cũng không cho uống. Nếu có người nào đó vẫn nằm khóc thì hắn nhất quyết không đồng ý cho ăn, uống. Chỉ đến khi, cả 8 người nhất loạt đồng ý làm việc thì hắn mới đưa cơm ăn.

Mỗi ngày, Quang chỉ cho ăn cơm với muối và rau. Tuy nhiên, rau cũng thuộc loại đã để lâu ngày. Lâu lắm, họ mới được ăn một miếng cá. “Cuộc đời của chúng tôi chưa bao giờ phải chịu sự khốn cùng đến thế”, chị Đoàn Thị Xuân, rơi nước mắt khi nhớ lại.
Sau hai tháng làm việc khổ cực ở cơ sở may gia công của Quang, khoảng 10 giờ sáng, ngày 29.11.2012, trong khi mọi người đang ngủ say, tiếng gõ cửa vang lên. Một đoàn cảnh sát Nga đi kiểm tra lao động trái pháp luật. Do cả 8 người đều không có giấy tờ tùy than nên bị công an Nga bắt đưa vào trại giam.

Trong khoảng thời gian này

Thấy những người mình đã mua bị bắt, sợ mất tiền nên ông Quang lấy điện thoại đã tịch thu mọi người trước đó lấy số, gọi điện về nhà đòi tiền chuột mỗi người là 40 triệu đồng. “Chúng tôi ở quê, khi nghe điện thoại tay chân rụng rời. Chúng tôi không biết điều người đàn ông gọi về thực hư như thế nào. Bởi, đã hai tháng trôi qua, chúng tôi đã không liên lạc gì được với con cháu của mình”, ông Nguyễn Văn Chánh, cha của nạn nhân Nguyễn Văn Thuận chia sẻ.

Sau đó, các gia đình kéo đến nhà ông Ẩn để hỏi rõ sự tình, nhưng người đàn ông này chỉ ậm ừ, ú ớ, không trả lời dứt khoát. Lo lắng cho con, nhận thấy sự việc nghiêm trọng, ông Chánh đã đến cơ quan công an thông báo.

Ngay sau đó, công an vào cuộc điều tra, liên hệ với đại sứ quán ở Nga. Đồng thời, khoảng thời gian này, đại sứ quán Nga cũng nhận được thông tin cảnh sát Nga cho biết có bắt được bảy người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp. Từ đó, đại sứ quán Việt Nam tại Nga ra sức đàm phán để 8 người bị bắt được giải thoát.

Rate this post