Philippines: Xuất khẩu lao động giúp ổn định kinh tế

(HNM) – Hiện nay, Philippines là quốc gia có số kiều hối chuyển về nước cao thứ tư thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), lĩnh vực xuất khẩu lao động đang đóng góp tới 12% GDP của Philippines với khoảng 20 tỷ USD do lao động làm việc ở nước ngoài gửi về. Philippines hiện có khoảng một triệu người ra nước ngoài lao động theo hợp đồng trong ngành công nghiệp dịch vụ.

Người lao động Philippines tại nước ngoài trong một đợt về nước. Ảnh: AFP

Đây là kết quả của gần 4 thập kỷ phát triển lĩnh vực hợp tác lao động quốc tế của đất nước Đông Nam Á này. Ngay từ năm 1974, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos lúc đó đã bắt đầu xúc tiến xuất khẩu lao động khi ông nhìn thấy cơ hội phát triển nhanh chóng của các quốc gia vùng Vịnh sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973. Trong năm 1974, đã có 35.000 người Philippines ra nước ngoài làm việc. Điều này thật có ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế của Philippines khi đó. Và 35 năm sau, con số lao động Philippines làm việc ở nước ngoài đã lên đến hơn 8,5 triệu người, chủ yếu là phụ nữ, gần bằng 10% dân số và 22% dân số trong độ tuổi lao động của nước này. Người lao động xuất khẩu Philippines được đón nhận nồng nhiệt ở khắp nơi trên thế giới vì đức tính chăm chỉ, có kỷ luật, tôn trọng hợp đồng lao động. Những quốc gia tiếp nhận nhiều lao động từ Philippines nhất là: Mỹ, Canada và Trung Đông. Ở Saudi Arabia hiện có khoảng một triệu người lao động Philippines.

Cơ quan Quản lý lao động Philippines ở nước ngoài cho biết, thị trường nước ngoài hiện vẫn còn nhu cầu rất lớn về lao động Philippines. Các cuộc đàm phán song phương với các nước tuyển dụng lao động đang tiếp tục mở ra những cơ hội việc làm mới cho người lao động nước này. Một thị trường xuất khẩu lao động mới mà Philippines đang hướng đến là Nga.

Theo WB, hiện nay có hơn 1/4 dân số Philippines sống dưới ngưỡng nghèo đói chính thức và một nửa dân số sát cận đói nghèo. Những lao động Philippines làm việc ở nước ngoài đem lại một nguồn thu nhập rất quan trọng cho gia đình họ và đất nước qua các khoản kiều hối và thuế đóng cho chính phủ nước này. Ngoài việc giúp cải thiện đói nghèo, nguồn thu của lao động xuất khẩu Philippines còn có vai trò thúc đẩy đầu tư, giảm bớt sự lệ thuộc vào các khoản vay từ các tổ chức tài chính quốc tế, cũng như viện trợ của các nước phát triển. Chính nguồn kiều hối này đang góp phần quan trọng trong việc giảm nhẹ ảnh hưởng từ việc giá dầu tăng cao và tình hình khó khăn của kinh tế thế giới với nền kinh tế Philippines hiện nay.

Năm 2012, Chính phủ Philippines dự tính kinh tế sẽ tăng trưởng từ 5% đến 6%, bất chấp giá dầu đang tăng cao và tăng trưởng kinh tế nhiều nước trên thế giới trì trệ. Chính nguồn kiều hối từ hàng triệu người lao động ở nước ngoài đang là một trong những yếu tố then chốt giúp kinh tế Philippines đạt mục tiêu tăng trưởng của đất nước trong năm 2012 và xa hơn nữa. Cùng những lợi ích về kinh tế, xuất khẩu lao động đã và đang giúp quốc đảo này giải quyết nhiều vấn đề xã hội như giảm tỷ lệ thất nghiệp và sự gia tăng dân số nhanh chóng ở nước này.

Vũ Anh

 

Rate this post