Tin xuất khẩu :bưu chính Việt Nam hướng đến thị trường kiều hối

Việt Nam đang có khoảng 4 triệu người học tập,xuất khẩu lao động và sinh sống tại nước ngoài. Thị trường xuất khẩu lao động đang ngày càng mở rộng, số người sử dụng điện thoại di động và Internet đang ngày càng tăng nhanh… Đó là những yếu tố tạo tiền đề thuận lợi để thị trường kiều hối và dịch vụ chuyển tiền phát triển tốt hơn.

Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị “Phát triển các dịch vụ thanh toán Bưu chính điện tử khu vực châu Á – Thái Bình Dương” tổ chức tại Hà Nội từ ngày 4-6/12.

Đây là hội nghị lần thứ tư trong khuôn khổ dự án kết hợp giữa Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) và Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD). Mục tiêu của dự án nhằm phát triển mạng lưới thanh toán bưu chính điện tử, phục vụ đối tượng là người dân nông thôn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Việc đăng cai tổ chức hội nghị lần thứ tư sau khi Việt Nam trúng cử vào hội đồng điều hành của UPU tại Đại hội Liên minh Bưu chính thế giới lần thứ 25 tại Qatar tháng 10/2012 vừa qua chứng tỏ Bưu chính Việt Nam đang ngày càng có uy tín trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế.

Tham dự hội nghị có đại biểu đến từ các nước Bangladesh, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Pakistan, Thái Lan cùng các chuyên gia cao cấp của UPU và điều phối viên dự án khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Các bên sẽ đánh giá lại mục tiêu, kế hoạch tổng thể việc triển khai và phát triển hệ thống thông tin hỗ trợ dịch vụ chuyển tiền (IFS), đưa ra giải pháp thương mại điện tử cho dịch vụ phát hàng thu tiền (Cash on Delivery) trên hệ thống IFS.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, chất lượng dịch vụ Bưu chính Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Bưu chính Việt Nam có quan hệ chuyển phát với 200 quốc gia trên thế giới, cả nước có trên 10.000 điểm phục vụ bưu chính viễn thông. Đồng thời đã nghiên cứu để triển khai cung cấp các dịch vụ tài chính bưu chính mới như phát hàng thu tiền trên hệ thống phần mềm PayPost; triển khai dịch vụ phân phối điện tử bằng SIM đa năng Bông sen, xúc tiến chuyển đổi hợp đồng hợp tác cung cấp dịch vụ chuyển tiền quốc tế từ phương thức thủ công sang phương thức điện tử với các nước như Maylaysia, Lào…

Theo Sách trắng CNTT-TT năm 2012 được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố đầu tháng 9/2012, doanh thu dịch vụ bưu chính đạt trên 246,2 triệu USD năm 2011, tăng khoảng 16% so với 2010. Như vậy, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do nền kinh tế chưa thoát khỏi khủng hoảng, sức mua giảm sút song liên tục trong 3 năm từ 2009 đến 2011, doanh thu dịch vụ bưu chính vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khả quan (mức tăng 16- 21%).

Bưu chính Việt Nam đang hướng đến thị trường kiều hối có tiềm năng to lớn trên thế giới, đặc biệt số kiều hối về Việt Nam qua các kênh chính thức. Việt Nam đang có khoảng 4 triệu người học tập, lao động và sinh sống tại nước ngoài. Theo thống kê, hàng năm, có khoảng hơn 4 tỷ USD kiều hối được chuyển về Việt Nam qua nhiều kênh khác nhau. Kênh chính thức có các dịch vụ quốc tế chất lượng cao như Wesstern Union, Money Gram, nhưng kênh này có giá cước cao. Còn các kênh hoạt động ngầm thì giá cước rẻ hơn nhưng khách hàng gặp phải rủi ro cao khi chuyển tiền qua kênh này.

Chuyển tiền quốc tế qua bưu điện có độ an toàn cao và cước phí rẻ, nhưng thực tế sản lượng lại rất thấp, chiếm thị phần rất nhỏ. Nguyên nhân khiến dịch vụ chưa hấp dẫn khách hàng một phần do Bưu chính nhiều nước chưa quan tâm tới dịch vụ này, một phần là dịch vụ chuyển chưa nhanh vì vẫn chưa tận dụng tối đa khả năng của hệ thống bưu chính điện tử.

Được biết, trước mắt, Bưu chính Việt Nam sẽ tập trung vào các thị trường kiều hối Hàn Quốc, Malaysia và Nhật Bản.

Rate this post