Tin xuất khẩu lao động

Thêm một lao động Việt chết tại Angola

 Ngày 5/4, ông Trần Thanh Phong, trưởng xóm 7, xã Nghi Kim (TP. Vinh, Nghệ An) cho biết, một lao động có hộ khẩu trên địa bàn vừa tử nạn tại Angola.

Thông tin cho biết, lao động xấu số là Nguyễn Đức Cao (SN 1988), đi xuất khẩu lao động sang Angola vào tháng 12/2012.

Làm việc được 2 tháng, anh Cao bị sốt rét nặng và tử vong vào ngày 1/3 vừa qua.

Anh Nguyễn Đức Cao là con thứ 2 trong gia đình có 3 người con trai, đi Angola theo sự môi giới của Công ty TNHH Việt Nhật, với chi phí ban đầu 130 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên, gia đình cho biết ông Nguyễn Sỹ Đại (bố Cao) cùng vài người thân hiện đang ở TP. HCM để đợi đón thi thể con trai.

Được biết, phía công ty đã gửi sang số siền 12.500 USD, cùng với sự giúp đỡ của đồng hương Việt Nam tại Angola, để trang trải chi phí bảo quản và vận chuyển thi thể Nguyễn Đức Cao về nước.

Số tiền nói trên được trích từ tiền bảo hiểm lao động.

Cũng theo thông tin nhận được,

Ngày 4/4, thi thể anh Nguyễn Công Nguyên, một lao động khác tử nạn tại Angola, cũng đã được đưa về nhà.

Anh Nguyên (SN 1984) sang Angola từ cuối năm 2012 với chi phí 6.000 USD. Dịp tết nguyên đán vừa rồi, gia đình nhận được thông tin anh tử vong do sốt xuất huyết.

Trước đó, như đã từng thông tin cho bạn đọc, vụ việc Công ty CPTM & XNK Xây dựng COSEVCO (thuộc Bộ Xây dựng) chi nhánh Nghệ An tổ chức thu tiền cọc để XKLĐ “chui” cho hàng loạt người dân địa phương sang Angola.

Ngày 21/1/2013, trong 2 bố con anh Nguyễn Quang Hạnh (Nghi Lộc, Nghệ An) đến trụ sở chi nhánh này đòi lại tiền “cọc” thì bị lãnh đạo chi nhánh “điều” băng nhóm xã hội đen mang hung khí đến dằn mặt. Hậu quả làm anh Hạnh bị tử vong.

Theo ông Nguyễn Đăng Dương, trưởng Phòng Lao động – Việc làm – Tiền lương và Bảo hiểm xã hội, Sở LĐTB&XH Nghệ An: “Hiện tại chưa hề có bất kỳ hợp đồng lao động nào giữa Việt Nam và Angôla”.

Dẻo mép lừa đi xuất khẩu lao động, ôm gần 1 tỷ đồng bỏ trốn

Cơ quan CS điều tra CAH Từ Liêm vừa ra Quyết định khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng để điều tra đối với Phan Thị Minh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Phan Thị Minh vừa bị Đội CSĐT tội phạm về trật tự QLKT&CV,MT – CAH Từ Liêm bắt giữ ngày 25/3 theo lệnh truy nã của Cơ quan CSĐT CAH Từ Liêm với tội danh nêu trên.

Căn cứ kết quả điều tra xác định từ tháng 1/2011 đến tháng 5-/2012, Phan Thị Minh đã tự giới thiệu với các bị hại là có khả năng đưa được người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Do tin tưởng Minh nên một số người đã liên hệ với Minh để làm thủ tục đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Phan Thị Minh thu của mỗi trường hợp từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng, hứa hẹn trong thời gian từ 2 đến 3 tháng sau khi nộp tiền sẽ đưa được sang Hàn Quốc. Sau khi thu được tiền của các bị hại Phan Thị Minh đã không đưa được ai sang Hàn Quốc làm việc theo như hứa hẹn ban đầu, khi bị đòi lại tiền Phan Thị Minh không trả và bỏ trốn khỏi địa phương.

Quá trình điều tra, cơ quan công an đã xác định Phan Thị Minh đã gây ra 5 vụ án. Những người mà Minh nhắm tới đều là người ở các tỉnh khác, hoàn cảnh khó khăn và có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Đáng chú ý trong số các vụ việc mà Minh gây ra, có trường hợp anh Trần Bá Hơn, trú tại Lương Tài, Bắc Ninh, sau khi đóng tiền đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Minh còn đưa cho anh Hơn một quyển “sổ đỏ” mang tên Nguyễn Văn Vinh, địa chỉ tại thôn an Sơn, xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội để làm tin nhờ vay số tiền 80 triệu đồng hẹn sau 15 ngày sẽ hoàn trả lại. Đến nay Minh đã không đưa được anh Hơn sang Hàn Quốc và cũng không trả lại tiền cho anh Hơn. Sau khi sự việc trên xảy ra được 1 năm, anh Hơn vẫn tiếp tục giới thiệu chị Trần Thị Hiệp là hàng xóm nộp tiền cho Minh để được đi xuất khẩu lao động. Đây cũng là trường hợp duy nhất được Minh trả lại 40 triệu đồng do gia đình chị Hiệp thấy thời gian lâu mà việc đi xuất khẩu lao động vẫn bặt vô âm tín nên đã đến đòi lại tiền.

Cơ quan công an đã xác minh tại Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được biết, Bộ này không cấp phép hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với cá nhân hoặc tổ chức có tên Phan Thị Minh có địa chỉ tại tập thể T262, tổ 10 xã Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội. Các doanh nghiệp được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho phép đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, cũng không có báo cáo về việc ký kết hợp đồng cung ứng lao động với Phan Thị Minh để đưa lao động đi làm việc ở Hàn Quốc.

Tại cơ quan điều tra, Phan Thị Minh đã khai nhận bản thân không có chức năng, giấy phép đưa người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, nhưng vì mục đích vụ lợi nên Minh đã có hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền của các bị hại. Số tiền chiếm đoạt được Minh đã sử dụng chi tiêu cá nhân không có khả năng khắc phục.

Căn cứ tài liệu thu thập được, có căn cứ xác định Phan Thị Minh đã lừa 5 nạn nhân, với tổng số tiền khoảng 880 triệu đồng gồm 450.000.000 VND và 21.300 USD.

Rate this post