Tin xuất khẩu lao động: Bỗng dưng… ôm nợ

Do khâu khám sức khỏe của cơ sở y tế quá hời hợt, nhiều thanh niên nghèo ở huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi) đi xuất khẩu lao động đã bị trả về vì sức khỏe không đạt, khiến cuộc sống rơi vào cảnh nợ nần.

Là diện hộ nghèo, phải đi làm thuê kiếm sống nên anh Đinh Văn Bé (34 tuổi, ở thôn Làng Rí, xã Sơn Giang, huyện Sơn Hà), sau khi được tư vấn về  xuất khẩu lao động sang Malaysia làm việc bốc hàng trong thời gian 3 năm, với mức lương mỗi tháng 6 triệu đồng, anh Bé đồng ý ngay. Tháng 11.2011, anh Bé vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội H.Sơn Hà để nộp cho doanh nghiệp xuất khẩu lao động lo hồ sơ, thủ tục, chi phí xuất cảnh. Tuy nhiên, sau khi sang Malaysia chưa được 1 tháng, anh Bé đành khăn gói quay về nước vì kiểm tra lại sức khỏe không đạt do mắc bệnh phổi. Giấc mơ xuất khẩu lao động để thoát nghèo tiêu tan, anh Bé còn phải gánh thêm món nợ của ngân hàng.

 Không riêng trường hợp anh Bé, theo ông Võ Hữu Thịnh, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Sơn Hà, thời gian qua cả huyện có 16 thanh niên nghèo trước khi xuất khẩu lao động đều được Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe, nhưng khi sang Malaysia thì các doanh nghiệp sử dụng lao động nước sở tại kiểm tra sức khỏe không đạt yêu cầu, đã trả về nước trước thời hạn.

“Ngân hàng chính sách xã hội nên khoanh nợ, giãn thời gian thu hồi nợ để những lao động nghèo đi xuất khẩu lao động với lý do sức khỏe mà về nước trước thời hạn bớt phần khó khăn. Điều quan trọng, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cần chỉ đạo các khoa, phòng nên khám, sàng lọc thật kỹ, tránh tình trạng sai sót để người đi xuất khẩu lao động không chịu thiệt đơn, thiệt kép”, ông Thịnh kiến nghị.

Rate this post