Xuất khẩu lao động trái phép gần 1000 người

Gần 1.000 người đi xuất khẩu lao động vùng biển thuộc các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa và thị xã Sầm Sơn đã thông qua các hình thức môi giới khác nhau để xuất cảnh trái phép sang nước ngoài làm việc. Hầu hết họ đều không báo cáo với chính quyền địa phương, gây khó khăn cho công tác quản lí trên địa bàn

Từ tháng 3/2011 – 2/2012

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tuyến biên giới biển Bắc Thanh Hóa có 815 người (670 nam, 145 nữ) sang nước ngoài lao động thông qua các nhóm môi giới. Trong đó, huyện Hậu Lộc có 556 người, Nga Sơn 15 người, Hoằng Hóa 115 người, thị xã Sầm Sơn 129 người. Đến nay, mới chỉ có 65 người trở về địa phương, còn lại 750 người đang lao động ở nước ngoài thuộc các lĩnh vực đánh bắt cá, xưởng sản xuất gỗ, đồ nhựa. Phần lớn số lao động trên không thực hiện đúng những quy định về khai báo tạm vắng, không có hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu theo quy định của pháp luật của nước sở tại.

Qua xác minh, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện 8 người môi giới đưa lao động xuất cảnh trái phép sang nước ngoài (hiện các đối tượng này không có mặt ở nhà), số còn lại thông qua những người địa phương đang làm ăn ở nước ngoài giới thiệu sang. Hành trình của lao động nhập cư trái phép, đi từ địa bàn thành từng tốp lên TP Thanh Hóa rồi bắt xe khách đến Móng Cái, Quảng Ninh, thuê xe đò vào các đường mòn, đường tắt để sang nước ngoài. Mỗi người khi đi phải đưa cho các đối tượng môi giới từ 2 – 5 triệu đồng để chi phí tàu xe đi từ địa bàn đến nơi làm việc.

Thực trạng xuất khẩu lao động của xã Ngư Lộc hiện nay

Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: Là địa bàn vùng biển, trong những năm qua mặc dù chính quyền đã tạo mọi điều kiện, phát triển các ngành nghề, thế nhưng từ năm 2011 đến nay xã có tới hơn 200 lao động nhập cư trái phép sang nước ngoài. Sau khi phát hiện, địa phương đã cử công an xuống các gia đình nắm bắt số người xuất cảnh đồng thời tuyên truyền, vận động, ngăn chặn không để tình trạng này tiếp diễn. “Một số trường hợp xuất cảnh sau một thời gian nay đã trở về địa phương. Có trường hợp bị tai nạn lao động mất tích, chết bên nước ngoài”, ông Ngữ nói.

Một lao động xuất cảnh trái phép nay sum họp với gia đình

Theo lãnh đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Hậu Lộc, toàn huyện hiện có hơn 500 lao động xuất cảnh trái phép. Tình trạng này đã ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự khu vực, gây thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, thậm chí tính mạng của người lao động và công tác xuất khẩu lao động của huyện. Các địa phương có người xuất khẩu lao động trái phép là Ngư Lộc, Hải Lộc, Đa Lộc, Minh Lộc, Hưng Lộc. Trong số lao động đang làm việc trái phép tại nước ngoài, có 3 ngư dân ở huyện Hậu Lộc khi đang đi xuất khẩu lao động thì bị lật tàu cá chết (trong đó có 2 lao động xuất khẩu trái phép).

Trước tình trạng lao động vùng biển nhập cư trái phép vẫn gia tăng, huyện Hậu Lộc đã có văn bản yêu cầu thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, chủ tịch UBND các xã, thị trấn tập trung vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành nghiêm những quy định của Luật Người xuất khẩu lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; khảo sát nắm chắc số người đi xuất khẩu lao động tự do đã về phải có văn bản cam kết không tái phạm, ngăn chặn những biểu hiện mới phát sinh ở từng địa phương; tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân về tự do tuyển lao động mà không có chủ trương chỉ đạo của ban chỉ đạo xuất khẩu lao động để có hướng giải quyết kịp thời. Đồng thời, có biện pháp xử lí đối với cá nhân môi giới đưa người đi xuất khẩu lao động cảnh trái phép sang nước ngoài theo quy định của pháp luật. Những đơn vị còn để số lượng người đi xuất khẩu lao động trái phép phát sinh thì chủ tịch UBND xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện.

Rate this post